Khóa hè quốc tế về thiên văn tại Daklak: Cơ hội cho các nhà thiên văn trẻ tương lai
Từ ngày 5 đến 16 tháng 8-2024, Trường Đại học Tây Nguyên, Nhóm Thiên văn SAGI (IFIRSE/ICISIE) và Đài Thiên văn Quy Nhơn lần đầu tiên tổ chức khóa hè thiên văn quan sát tại Daklak.
(KTSG Online) – Từ ngày 5 đến 16 tháng 8-2024, Trường Đại học Tây Nguyên, Nhóm Thiên văn SAGI (IFIRSE/ICISIE) và Đài Thiên văn Quy Nhơn lần đầu tiên tổ chức khóa hè thiên văn quan sát tại Daklak.
Phần lớn giảng viên của khóa hè là những nhà thiên văn Việt Nam. Trong đó, 8 trên 16 giảng viên là người cư trú hoặc lớn lên tại Daklak. Cùng với đó là các nhà thiên văn nước ngoài đã từng đến Việt Nam để hỗ trợ cho ngành thiên văn Việt Nam.
Trong vòng hai tuần, 20 sinh viên từ năm trường đại học Việt Nam cùng 19 sinh viên từ bốn trường đại học Anh Quốc, Nhật Bản được tiếp cận những vấn đề về thực hành trong thiên văn.
Một phần quan trọng trong nội dung của khóa hè là thực hành việc sử dụng kính thiên văn 60cm của Đài Thiên văn Quy Nhơn, kính thiên văn Itoh 28cm, kính thiên văn Kurita 40cm cùng một số kính nhỏ khác của Đài Thiên văn Tây Nguyên. Thông qua việc sử dụng những dụng cụ này, sinh viên được thực tập theo các dự án như theo dõi sự chuyển động của vệ tinh, đo đạc độ sâu của hố trên mặt trăng, đo sự thay đổi ánh sáng của tiểu hành tinh và dự án đo độ sáng của sao carbon.
Cùng với đó, khóa hè cũng tạo ra một môi trường thực tế để sinh viên có thể tự thực hành và thông qua đó tự học, tự trang bị thêm những kiến thức về thiên văn; tạo điều kiện cho những sinh viên quan tâm tới ngành học tìm hiểu sâu hơn về những nghiên cứu mới và có cơ hội làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thiên văn.
Khóa hè này là một phần hoạt động của Nhóm Vật lý thiên văn – SAGI thuộc Viện IFIRSE do Quỹ Simons (Mỹ) tài trợ. Đây là nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn đầu tiên được thành lập tại Bình Định, với sự hỗ trợ, dẫn dắt của các nhà khoa học gốc Việt, gồm Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Tiến sĩ Hoàng Chí Thiêm, Viện Khoa học Không gian và Vũ trụ khoa học Hàn Quốc và Tiến sĩ Nguyễn Lương Quang.
Mục đích chính của Nhóm SAGI là thúc đẩy và hỗ trợ các nghiên cứu thiên văn của các nhà thiên văn trong nước thông qua các dự án hợp tác nghiên cứu với các nhà thiên văn quốc tế. Qua quá trình hợp tác, nhóm SAGI mong muốn đào tạo được một đội ngũ chuyên viên nghiên cứu trẻ có trình độ cao cho Việt Nam để có thể bắt kịp trào lưu phát triển của thiên văn thế giới. Về lâu dài, đây là nơi cho các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ, làm việc chung với các nhà thiên văn người Việt, các nhà khoa học gốc Việt đang làm việc tại nước ngoài.