Khoa học công nghệ hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình

Sáng 9/12, tại Đà Lạt, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam phối hợp cùng Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng tổ chức hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự có ông Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông H.E Sadykov T.Sirozhevich – Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TP Hồ Chí Minh, TS. Rafael Mariono Grossi – Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, ông Anthony Wier – Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cùng hơn 250 đại biểu là cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, cán bộ quản lý các bộ, ngành, cơ quan liên quan đến từ hơn 40 tổ chức trong và ngoài nước.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp (với các đại biểu trong nước đến từ vùng an toàn) và trực tuyến (với các đại biểu đến từ vùng chưa an toàn và các đại biểu, chuyên gia nước ngoài). PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền, TS. Phạm Quang Minh, GS.TS. Lê Hồng Khiêm đã chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Ngày nay, thế giới đang đối mặt thiên tai, dịch bệnh, động đất, núi lửa, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử trong đời sống sẽ đóng góp lớn trong việc giải quyết các vấn đề thảm họa, vì mục tiêu hòa bình.

Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam được tổ chức 2 năm 1 lần. Đây là nơi gặp gỡ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới rong lĩnh vực khoa học công nghệ hạt nhân của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Từ năm 1996 đến nay đã có 13 hội nghị được tổ chức mang lại nhiều thành quả, là chất xúc tác để thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam phát triển nhanh, mạnh. Hội nghị lần này, qua tiến hành phản biệt một các nghiêm túc, Hội đồng khoa học đã chọn được 178 báo cáo; trong đó, có 103 báo cáo được trình bày tại các tiểu ban chuyên môn, 75 báo cáo được dán bảng Pesters.

Sau lễ khai mạc, 8 tham luận đã được trình bày tại hội nghị, qua đó giới thiệu những nét chính của Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với thiết bị chính là lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt (PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền – nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), Chương trình hợp tác về nghiên cứu hạt nhân giữa Việt Nam và JINR hiện tại và tương lai (TS. Grigory V.Trubnikov – Chủ tịch Viên Nghiên cứu hạt nhân Dubna), Thành tựu và những hoạt động nghiên cứu trong vật lý, kỹ thuật hạt nhân tại RIKEN (GS. Hiroyoshi Sakurai – Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu hóa lý RIKEN, Nhật Bản), Những ứng dụng của phương pháp định hướng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cho kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân (GS. Đinh Trúc Nam – Trường Đại học Bắc Carolina, Hoa Kỳ), Năng lượng hạt nhân có phải là sự lựa chọn tốt cho Việt Nam (GS. Masaki Saito – TITECH, Nhật Bản), Ứng dụng chùm nơtron của lò phản ứng nghiên cứu và một số kết quả tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (TS. Phạm Ngọc Sơn – Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), Dược chất phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân tại Việt Nam: Hiện tại và triển vọng (PGS.TS. Lê Ngọc Hà – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Hiện thực vật lý của photon đơn năng trong giao thoa hai khe bất đối xứng (TS. Võ Văn Thuận – Đại học Duy Tân).

Trong 2 ngày diễn ra 9 – 10/12, hội nghị sẽ chia thành các tiểu ban thảo luận về các nội dung: Lò phản ứng, điện hạt nhân và đào tạo nguồn nhân lực; Vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, máy gia tốc và phân tích hạt nhân; Ghi đo bức xạ, an toàn bức xạ và quan trắc môi trường; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, công nghiệp và các lĩnh vực khác; Hóa phóng xạ, hóa bức xạ và hóa học hạt nhân, chu trình nhiên liệu, công nghệ nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ.

Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 là một sự kiện khoa học quan trọng không chỉ đối với cộng đồng năng lượng nguyên tử Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202112/khoa-hoc-cong-nghe-hat-nhan-ung-dung-nang-luong-nguyen-tu-vi-hoa-binh-3093232/