Khoa học công nghệ là then chốt phát triển nông nghiệp hiện đại

Đổi mới tư duy để khoa học công nghệ (KHCN) là then chốt trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh… là giải pháp trọng tâm của ngành nông nghiệp và môi trường hiện nay.

Đóng góp 30% vào giá trị gia tăng của lĩnh vực nông nghiệp

Hiện nay, không chỉ các viện, trường mà cả doanh nghiệp cũng đang tiếp nhận KHCN từ các nước rất nhanh chóng, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam bắt nhịp và đáp ứng yêu cầu của thị trường khu vực và quốc tế.

Ứng dụng công nghệ cao trong xử lý và chế biến trứng gia cầm tại nhà máy của Công ty TNHH Ba Huân (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: Thu Phượng

Ứng dụng công nghệ cao trong xử lý và chế biến trứng gia cầm tại nhà máy của Công ty TNHH Ba Huân (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: Thu Phượng

Báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, KHCN đóng vai trò rất quan trọng trong nông nghiệp, là động lực chính để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, nếu lượng hóa có thể KHCN đóng góp khoảng 30% vào giá trị gia tăng của ngành. Minh chứng rõ nét có thể thấy ngay ở chương trình giống cây trồng, ứng dụng KHCN đã tạo ra bước đột phá lớn cho ngành lúa gạo.

Hiện nay, 85% giống lúa là giống mới, 89% là gạo chất lượng cao. Hiệu quả của giống chất lượng cao được thể hiện rõ trong giai đoạn giá lúa gạo giảm, nhưng gạo chất lượng cao vẫn duy trì giá tốt, ít bị ảnh hưởng. Khi giá lúa gạo tăng trở lại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gạo chất lượng cao tăng 100-150 đồng/kg, trong khi gạo chất lượng thấp chỉ tăng 50-100 đồng/kg. Điều này khẳng định vai trò của KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy ứng dụng KHCN trong phát triển giống đã giúp gia tăng giá trị khoảng 38%.

Cũng nhờ ứng dụng KHCN mà năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn, năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN, gấp 1,5 lần Thái Lan; cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil; năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ; cá tra với năng suất 500 tấn/ha, cao nhất thế giới...

Sản xuất rau mầm, rau baby tại Hợp tác xã Thanh Hà (huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

Sản xuất rau mầm, rau baby tại Hợp tác xã Thanh Hà (huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

KHCN đã được ứng dụng rộng khắp trên mọi lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi đến phòng chống thiên tai. Đơn cử, việc áp dụng tiến bộ KHCN vào canh tác và tưới tiết kiệm đã giúp nhà sản xuất giảm 30 - 50% chi phí. Giống cây trồng thế hệ mới không chỉ tăng năng suất 10 - 15% mà còn giảm chi phí 20 - 30%. Trong lĩnh vực thủy lợi, các công trình tiêu biểu như: cống âu thuyền Ninh Quới và cống Cái Lớn – Cái Bé đã mang lại hiệu quả lớn, giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt và hỗ trợ sản xuất. Với lâm nghiệp, sản lượng nguyên liệu gỗ đạt 33 triệu tấn như hiện nay cũng nhờ ứng dụng KHCN.

Đưa Nghị quyết 57-NQ/TƯ vào thực tiễn

Xác định phát triển KHCN là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất vào tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%...

Thời gian tới, cần thay đổi toàn diện cách đặt hàng, giao nhiệm vụ KHCN hàng năm. Trong đó, toàn ngành nông nghiệp và môi trường cần chú trọng nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ yêu cầu sản xuất thực tiễn, cung cấp các giải pháp KHCN, các sản phẩm phục vụ sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, an toàn và giá trị của sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới, mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực KHCN, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số. Mới đây (ngày 9/5), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực này là hoàn thiện hệ hệ thống Cổng truy xuất nguồn gốc nông sản, hướng tới việc áp dụng toàn quốc, góp phần nâng cao tính minh bạch trong ngành nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chú trọng nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý cấp địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, sớm hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của ngành để hướng dẫn các địa phương xây dựng, tích hợp chung, cùng khai thác, phục vụ trong công tác quản lý.

Đáng ghi nhận, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, tại các địa phương đang tập trung chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Nhiều tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới, như: cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR, sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain)…

Ngọc Ánh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-la-then-chot-phat-trien-nong-nghiep-hien-dai.701818.html