Khoa học công nghệ nhiều thành tựu nổi bật - Bài 1: Khâu đột phá chiến lược
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Khoa học và công nghệ (KHCN) đã khẳng định vai trò to lớn trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhiều lĩnh vực của tỉnh. Những thành tựu KHCN đã tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định khoa học và công nghệ (KHCN) có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển và tăng trưởng kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã luôn quan tâm và đầu tư vào nhiệm vụ phát triển KHCN với các chính sách, chương trình hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
>>> Bài 2: Đề cao tính ứng dụng trong nghiên cứu
>>> Bài cuối: Để đề tài, dự án không “xếp ngăn kéo”
Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ
Thực hiện các nhiệm vụ KHCN, tỉnh đã bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng vào 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành 6 Quyết định, Chương trình; 4 Kế hoạch và nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực KHCN và đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, đã có 96 đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp bộ được tổ chức triển khai thực hiện. Các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới đã phục vụ có hiệu quả cho khâu đột phá “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với nông thôn mới”. Đồng thời tổng kết, đánh giá thực tiễn nhằm cung cấp thông tin, luận cứ khoa học cho các cấp ủy, chính quyền hoạch định, xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, khai thác các tiềm năng thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch phục vụ thực hiện khâu đột phá “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”...
Tỉnh quan tâm xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng KHCN, nhất là tại các trung tâm: Trung tâm Thực nghiệm thực hành và Chuyển giao KHCN thuộc trường Đại học Tân Trào đầu tư xây dựng phòng nuôi cấy mô; Trung tâm Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đầu tư nâng cấp Trại cá Hoàng Khai thành trung tâm sản xuất giống thủy sản cấp 1…
Đồng chí Lê Anh Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm - Thực hành và Chuyển giao KHCN, trường Đại học Tân Trào cho biết: Nhờ được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng phòng nuôi cấy mô, nhiều công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng như nhân giống các loại cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô như sản xuất giống keo lai, giống mía, bạch đàn, một số loại dược liệu và hoa chất lượng cao. Từ năm 2020 đến nay, trung tâm đã sản xuất trên 5 triệu cây keo và bạch đàn; trên 400.000 cây hồng, trên 60.000 cây mía giống; sản xuất thử nghiệm trên 15.000 cây ba kích tím và lan kim tuyến cung ứng cho nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, năm 2021, trung tâm đã làm chủ quy trình sản xuất giống nấm đông trùng hạ thảo.
Tỉnh thành lập được 17 Quỹ phát triển KHCN trong các doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ 6 doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của HĐND tỉnh); có 9 doanh nghiệp chủ trì thực hiện 9 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số với tổng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 20 tỷ đồng.
Thành tựu trong ứng dụng KHCN
Tại huyện Hàm Yên, việc áp dụng KHCN vào chọn lọc, sản xuất một số giống cam mới thu hoạch rải vụ với 3 giống cam (CS1 - Chín sớm, CT36 - chín trung bình, V2 - chín muộn) có năng suất và chất lượng cao cho địa phương đã mang lại kết quả tích cực. Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên chia sẻ: Vùng cam sành Hàm Yên trước đây gặp không ít khó khăn trong việc bảo đảm nguồn và chất lượng cây giống. Sau nhiều năm, nghiên cứu, chọn lọc đưa vào canh tác đã giúp địa phương nâng cao năng suất, chất lượng cam Hàm Yên, đáp ứng các yêu cầu cao của người tiêu dùng. Nhờ KHCN, thương hiệu cam Hàm Yên ngày càng vươn xa, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Ngoài ra, từ tháng 7-2020 đến 6-2022, Sở KHCN đã triển khai mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học trồng đỗ đen xanh lòng theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với chế biến thành sản phẩm OCOP tại xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa”. Đề tài này không chỉ giúp tạo ra sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh.
Chị Phạm Thị Hồng, HTX Nông nghiệp Hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa) cho biết, sau 4 năm triển khai, để tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn, HTX đã không ngừng phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài liên kết ổn định với trên 50 hộ dân và duy trì diện tích 60 ha tại một số xã của huyện Chiêm Hóa và Na Hang, HTX còn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy rang, sấy khô, đóng túi lọc... Doanh thu của HTX từ năm 2022 đến nay khoảng 4,3 - 4,5 tỷ đồng. Sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng đã được đánh giá đạt chất lượng OCOP 4 sao vào năm 2021, 2022. Đặc biệt, tháng 5-2024, Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc.
Theo thống kê, hiện nay tỉnh có 307 sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; trong đó, có hơn 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và có bốn sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, rượu ngô men lá Na Hang và bưởi Soi Hà (Yên Sơn); Lễ hội Thành Tuyên được cấp chứng nhận bản quyền nhãn hiệu “Thành Tuyên Festival”...
Đồng chí Phạm Ninh Thái, Giám đốc Sở KHCN khẳng định: Các nhiệm vụ KHCN đã đóng góp tích cực vào việc cải thiện đời sống người dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực quan trọng, tạo điều kiện để doanh nghiệp và tổ chức tham gia đổi mới sáng tạo.
Với sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ vào KHCN, tỉnh Tuyên Quang đã tạo ra những bước tiến lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vào định hướng rõ ràng và các chính sách hỗ trợ phù hợp, tỉnh đang ngày càng khẳng định vai trò của KHCN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển KHCN không chỉ là một mục tiêu chiến lược mà còn là chìa khóa để Tuyên Quang xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, phát triển toàn diện và bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Bài, ảnh: Dương Châu
(Còn tiếp)