Khoa học và công nghệ phải trở thành yếu tố trực tiếp, động lực quan trọng để phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế
Ngày 3/9/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 101 KH/TU về việc thực hiện Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII 'tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học (KH) và công nghệ (CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế'. Thực hiện Kế hoạch số 101 KH/TU nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH và CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Lâm Đồng.
Kế hoạch số 101 KH/TU đặt ra yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương và từng cơ quan, đơn vị, đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Kết luận số 50-KL/TW; xây dựng kế hoạch thực hiện phải gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương theo từng năm và từng giai đoạn. Từ đó, nâng cao trình độ phát triển, ứng dụng KH và CN nhằm phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo; làm cho KH - CN phải trở thành yếu tố trực tiếp, động lực quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Lâm Đồng. Đổi mới hoạt động KH và CN mà trọng tâm là nghiên cứu ứng dụng những tri thức mới để phục vụ nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Quán triệt tinh thần Kết luận 50-KL/TW, Kế hoạch số 101 KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu các ban, ngành, các huyện ủy, thành ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể triển khai. Trong đó, trọng tâm là: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 20-NQ/TW, Kết luận 50-KL/TW và Kế hoạch số 65-KH/TU, ngày 19/2/2013 của Tỉnh ủy nhằm nâng cao hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm và trình độ lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu; với quan điểm “khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”, là nhân tố trực tiếp, động lực quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững KT-XH của tỉnh, từ đó có sự đầu tư thỏa đáng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH và CN; đổi mới đồng bộ cơ chế, phương thức quản lý tổ chức, hoạt động KH và CN đáp ứng yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Có chính sách khuyến khích đối với cán bộ KH và CN phục vụ tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn; đặc biệt chú ý đến đội ngũ cán bộ trẻ và cán bộ đầu đàn trong từng lĩnh vực. Kết hợp hài hòa lợi ích của cán bộ KH với lợi ích của tập thể, của Nhà nước. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH và CN, tiến bộ kỹ thuật trong nước và trên thế giới để tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh các sản phẩm có lợi thế của Lâm Đồng như: rau, hoa, chè, cà phê, dược liệu...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển những ngành công nghiệp, dịch vụ chủ yếu đưa vào công nghệ và tri thức mà tỉnh có lợi thế, như: Công nghệ sinh học; Công nghệ sản xuất vật liệu mới; Công nghệ thông tin; Xây dựng và bảo đảm dịch vụ cho các hệ thống truyền thông tin dữ liệu quốc gia và quốc tế, các hệ thống tự động hóa quản lý tại địa phương. Phát triển Dự án “Công viên khoa học Đà Lạt”; xây dựng Làng Đại học Đà Lạt, một số trường đại học có quy mô lớn, hiện đại, chất lượng cao...
Cùng với, chú trọng phát triển thị trường KH và CN, đa dạng hóa đối tác và đẩy mạnh hợp tác về KH và CN, Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp đầu tư tiềm lực KH và CN đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Tập trung vào xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở vật chất hiện đại. Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2020 - 2025, hướng tới năm 2030 dựa trên cơ sở đào tạo mới, đào tạo lại, trẻ hóa nguồn nhân lực KH và CN, chú ý đào tạo và sử dụng hợp lý đội ngũ công nhân lành nghề, kỹ sư, các nhà khoa học trẻ theo các lĩnh vực kinh tế chủ yếu của địa phương. Các nhà nghiên cứu, những người làm công tác KH, nhất là giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh phải là lực lượng nòng cốt trong việc nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.