Khoa học và công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp

Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã khẳng định được ưu thế vượt trội và đó cũng chính là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp Lâm Đồng.

Thu hoạch hoa trong nhà kính ở Đà Lạt

Thu hoạch hoa trong nhà kính ở Đà Lạt

Là tỉnh có ưu thế về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Lâm Đồng đã tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình sản xuất cây giống, sản xuất rau, hoa có năng suất, chất lượng cao, sản phẩm VietGAP, hữu cơ... đem lại hiệu quả rõ rệt. Điều đáng mừng là nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật của tỉnh đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Đối với chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tỉnh đã tập trung chia thành 2 giai đoạn để đề ra những kế hoạch phát triển cụ thể, gồm giai đoạn 2011 - 2015 và từ 2016 đến nay. Theo đó, tỉnh đã tập trung hỗ trợ người sản xuất trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ, hỗ trợ pháp lý trong hoạt động nhập khẩu giống; hướng dẫn quy trình sản xuất, xây dựng các mô hình, cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp thông qua loại hình du lịch canh nông dựa trên nền tảng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, để tạo nguồn lực cho người sản xuất, tỉnh chỉ đạo thực hiện các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại đã áp dụng chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp đối với một số doanh nghiệp trên địa bàn và đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cả doanh nghiệp và các hộ nông dân.

Lâm Đồng cũng đặc biệt chú trọng kêu gọi và thúc đẩy các hoạt động đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn tại Nghị quyết 112/2018/NQ-HĐND trên cơ sở Nghị định 57/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định 210) và phê duyệt danh sách cụ thể 25 dự án được hưởng ưu đãi. Theo đó, từ năm 2008 đến tháng 6/2021, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh là 9.998 doanh nghiệp, vốn đăng ký là 74.631 tỷ đồng. Trong đón có 1.995 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chiếm 19,95% tổng số doanh nghiệp (gồm 86 doanh nghiệp FDI).

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn cũng được chú trọng. Hàng năm tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống, quy trình canh tác, phòng chống dịch bệnh, quản lý sau thu hoạch cho các đối tượng cây trồng rau, hoa, chè, cà phê, lúa và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, giải quyết khó khăn trong sản xuất. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng số nhiệm vụ được thực hiện hàng năm, với kinh phí phân bổ chiếm khoảng 80% tổng kinh phí khoa học công nghệ của tỉnh. Từ kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án, nhiều quy trình công nghệ mới được chuyển giao ứng dụng vào sản xuất, cho ra đời những sản phẩm mới, góp phần đa dạng hóa mặt hàng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, giúp các cơ quan quản lý có luận cứ để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Hầu hết các công nghệ sản xuất hiện đại đều được ứng dụng trong sản xuất với các mức độ khác nhau, phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, từng hộ nông dân. Đặc biệt, đến nay, tỉnh đã có 5 vùng và 13 doanh nghiệp được công nhận đạt tiêu chí công nghệ cao; Đề án thành lập Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện dự án.

Nhiều công nghệ tiên tiến được các doanh nghiệp, người dân chủ động nghiên cứu, cập nhật, ứng dụng rộng rãi vào sản xuất. Nhiều hộ nông dân đã luôn dành phần lớn kinh phí và tâm huyết đặc biệt tập trung vào đầu tư công nghệ sản xuất và kể cả cho khâu nhân giống bằng những phương pháp tiên tiến và hiện đại, nhằm tạo ra những loại giống hoa, rau chất lượng cao, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng. Ngoài các công nghệ đã được áp dụng rộng rãi đại trà trong sản xuất như nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt đang dẫn đầu cả nước… thì các công nghệ mới của thế giới như canh tác thủy canh, khí canh hiện cũng đang được người dân đầu tư ứng dụng vào sản xuất khá mạnh. Theo thống kê, hiện tỉnh có khoảng 50 ha canh tác thủy canh, khí canh, sản xuất trên giá thể đạt 210 ha, nông nghiệp hữu cơ đạt 14,4 ha…

Trong thời gian tới, để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tỉnh tiếp tục đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp thực hiện; trong đó, tập trung hình thành và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả trong tổ chức sản xuất, tăng cường các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202109/khoa-hoc-va-cong-nghe-tao-suc-bat-cho-san-xuat-nong-nghiep-3077806/