Khoác balô lên... rồi chạy
TP HCM vốn ngày đêm nhộn nhịp, bây giờ trở nên vắng lặng. Dịch Covid-19 khiến mọi thứ đảo lộn, hầu như tất cả ngành nghề đều phải làm việc từ xa, song phóng viên chúng tôi chẳng hề chùn chân
Hơn 1 tháng qua, việc tác nghiệp của phóng viên ở TP HCM cũng như nhiều nơi có dịch Covid-19 trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thế nhưng, nơi nào có tin tức là chúng tôi không ngần ngại lao ra phố.
Xử lý "dã chiến"
Cách đây hơn 2 tháng, khi những ngày đầu ổ dịch liên quan điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp, TP HCM) bùng phát, mỗi ngày chúng tôi chạy đến 5-6 khu vực phong tỏa để ghi nhận tình hình. Rồi từ đó, cứ nghe tin ở đâu phong tỏa là chúng tôi chạy đi ngay, bất chấp nắng hay mưa, ngày hay đêm.
Khoác trên vai chiếc balô hơn 10 kg, có những ngày tôi ra đường từ tờ mờ sáng đến tận nửa đêm mới về nhà. Chỉ kịp tắm rửa, ăn vội bữa khuya, cắm sạc điện các thiết bị, máy móc rồi tôi lăn ra giường ngủ mê mệt.
Nhiều anh chị đồng nghiệp hay chọc ghẹo tôi: "Balô của bạn nặng như thế thì tụi ăn trộm cũng không lấy nổi". Ngoài các thiết bị tác nghiệp như laptop, máy ảnh, pin, sạc dự phòng, tai nghe thì trong balô của tôi còn chứa lỉnh kỉnh đồ bảo hộ, ổ điện, bình xịt chống muỗi, áo mưa, khẩu trang, bánh kẹo lót dạ… Khi mệt, tôi có thể dùng balô để làm gối tựa lưng, dùng áo mưa trải dưới đất để ngồi. Khi ra đường tác nghiệp đêm hôm, tôi đã có bình xịt đuổi muỗi, trời lạnh có áo khoác, điện thoại hết pin có sạc dự phòng, đói lòng thì có bánh kẹo dùng tạm.
Nếu được hỏi đâu là món đồ tâm đắc nhất mà mình mang theo những ngày tác nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp này, chắc chắn tôi sẽ chọn "ổ điện thần kỳ". Ban đầu, khi thấy trong balô của tôi có ổ điện này, nhiều người đều cười bảo rằng không cần thiết, mang theo chỉ nặng thêm. Thế nhưng, khi lượng công việc quá nhiều, pin sạc không đủ thì "ổ điện thần kỳ" này đã phát huy công dụng.
Những ngày dịch bệnh, các cửa hàng, quán xá không còn mở nên mọi việc phải xử lý "dã chiến" ngay tại chỗ để kịp thời đưa thông tin về tòa soạn sớm nhất. Chỉ cần xin cắm nhờ ổ điện trong nhà người dân rồi truyền ra vỉa hè, thế là 5-6 anh em phóng viên đã có thể tiếp tục hành trình "gõ chữ, chỉnh hình" mà không sợ laptop hết pin, sập nguồn giữa chừng, an tâm hoàn tất tin, bài.
Khi tôi là F1
Cũng như các y - bác sĩ đang ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch, phóng viên chúng tôi luôn có những mối nguy hiểm rình rập xung quanh. Song, vì công việc và trách nghiệm với nghề mà mình đã yêu thích và lựa chọn, tôi không thể bỏ mặc đồng nghiệp đang "chiến đấu" ngoài kia để "ở ẩn" an toàn trong nhà được.
Đến giờ đã hơn 1 tháng trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên giây phút mình vô tình chạm mặt, tiếp xúc với 8 F0. Tôi bị động hoàn toàn và không kịp có thời gian mặc đồ bảo hộ để bảo đảm an toàn cho mình. Lúc ấy, tôi biết mình đã trở thành F1.
Chấp nhận rời nhà để ra ngoài tác nghiệp trong những ngày dịch bệnh, tôi đã chấp nhận mình có thể là F1, thậm chí F0, bất cứ lúc nào. Mọi phương án đều phải nghĩ đến trước.
Ngay lập tức, tôi sát khuẩn toàn bộ cơ thể và balô, gọi điện thoại về nhà nhờ mẹ chuẩn bị ít quần áo. Thấy tôi gọi về, mẹ ngầm hiểu có điều gì đó không ổn xảy ra. Về đến nhà, tôi chỉ kịp nhìn cha mẹ và các em qua song cửa, lấy túi đồ rồi vội vã ra đi mà lòng ngậm ngùi, cố gồng mình tự nhủ: "Mạnh mẽ lên, mình không được khóc"!
Đến nơi cách ly, tôi liền gọi điện thoại về nhà cố gắng trấn an gia đình để mọi người yên tâm vì tôi biết trong cuộc chiến này, tinh thần là quan trọng nhất. Chỉ cần tinh thần tốt, chắc chắn mỗi người sẽ là một thành trì vững chắc để chống dịch. Thế nhưng, một đứa con gái 22 tuổi đã ở lâu trong vòng tay chăm sóc của cha mẹ, lần đầu tiên tôi cảm thấy nhớ gia đình, nhớ mọi người thân quen đến nao lòng, dù nơi tôi cách ly chỉ cách nhà chừng 3 km…
TP HCM vốn ngày đêm nhộn nhịp, bây giờ trở nên vắng lặng. Dịch Covid-19 khiến mọi thứ đảo lộn, hầu như tất cả ngành nghề đều phải làm việc từ xa, song phóng viên chúng tôi chẳng hề chùn chân. Tình hình dịch bệnh dù căng thẳng nhưng chúng tôi biết rằng nếu mình không đến hiện trường thì sẽ không có những tin tức, hình ảnh chân thực nhất gửi đến bạn đọc. Nếu bác sĩ là người trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân thì chúng tôi nguyện dùng ngòi bút của mình để cổ vũ tinh thần mọi người, góp phần vào công cuộc chống dịch của TP HCM cũng như cả nước.
Chấp nhận hiểm nguy
Không riêng gì tôi, rất nhiều anh chị phóng viên cũng chấp nhận mình có thể sẽ trở thành F1, thậm chí F0, để xông vào nơi có dịch.
Khoác trên người bộ đồ bảo hộ màu xanh, họ sẵn sàng rời tổ ấm yêu thương của mình rồi lao vào bệnh viện dã chiến, đến nơi đang cách ly, phong tỏa để thực hiện công việc đưa tin, viết bài. Đối mặt tiếng còi xe cấp cứu, tiếng máy thở ECMO cùng những bước chân vội vã của y - bác sĩ đang giành lấy sự sống cho bệnh nhân, phóng viên chúng tôi gạt đi nỗi lo sợ ngấm ngầm để thầm lặng ghi lại những khoảnh khắc ấy.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khoac-balo-len-roi-chay-20210727194711947.htm