Khoan dung Hồ Chí Minh - kết tinh của văn hóa dân tộc và việc vận dụng trong hòa hợp dân tộc hiện nay (Kỳ 1)

Trong 'Di chúc' để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn rất nhiều điều, dặn dò, lo lắng, bao quát hết mọi công việc của Đảng và đất nước, quan tâm đến tất cả mọi người trong xã hội, trong đó có cả những người là 'nạn nhân của chế độ xã hội cũ'. Những lời căn dặn thiết tha của Người, đặc biệt những lời căn dặn về quan tâm đến tất cả mọi người trong xã hội, bất kể họ là ai, là sự tiếp nối và khắc họa rõ nét và trọn vẹn nhất tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh.

Kỳ 1: Tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh - kết tinh của văn hóa dân tộc Việt

Khoan dung là bản chất của dân tộc Việt. Điều gì đã làm cho một dân tộc phải chịu quá nhiều đau khổ từ các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn giữ được tinh thần nhân ái, khoan dung, hòa hiếu như dân tộc Việt chúng ta?

Bác Hồ chung vui với các em nhỏ trong Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Bác Hồ chung vui với các em nhỏ trong Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Vị trí địa lý đã đặt Việt Nam nằm ở cửa ngõ của sự giao lưu văn hóa từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Đặc biệt, Việt Nam nằm kẹp giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại đó là Trung Hoa và Ấn Độ. Từ khi thành lập quốc gia, dân tộc, Việt Nam đã dang tay rộng mở ôm chứa vào lòng tất cả những giá trị tốt đẹp của văn hóa nhân loại mà gần nhất là của nền văn minh trên. Bởi vậy, khoa thi Nho học đầu tiên của Việt Nam tổ chức năm Thái Ninh thứ 4 Triều Lý Nhân Tông (Ất Mão, 1075) là khoa thi Tam giáo đồng nguyên gồm Nho, Phật và Lão. Tất nhiên, các học thuyết của Nho giáo, Phật giáo và sau này là Thiên Chúa giáo khi vào Việt Nam đã được Việt hóa, bản địa hóa để phù hợp với tâm hồn, tính cách và đặc điểm của dân tộc Việt. Cũng bởi lòng bao dung ấy mà ở Việt Nam hầu như rất ít, nếu không muốn nói là không có xung đột giữa các tôn giáo.Nhìn lại lịch sử, thấy rằng là một dân tộc phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh, thế nhưng lòng khoan dung, nhân ái đã ăn sâu vào tâm hồn và tính cách của dân tộc Việt. Khi đất nước có chiến tranh, nhà sư cũng sẵn sàng vứt bỏ áo cà sa để khoác chiến bào, đến con ngựa đá cũng không chịu nằm yên “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã” (Tức cảnh, Trần Nhân Tông). Khi đất nước sạch bóng quân thù, nhà sư lại trở về tụng kinh, gõ mõ với câu kinh kệ sớm khuya. Cũng vậy, khi đất nước có giặc, gươm thiêng còn không chịu nằm yên và đã nhảy ra khỏi vỏ để cho người đánh cá là Nguyễn Thận bắt được dâng Lê Lợi, thế nhưng đất nước sạch bóng quân thù thì rùa vàng nổi lên đòi lại gươm báu. Một dân tộc khi “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Việt Nam quê hương ta, Nguyễn Đình Thi).

Trong lịch sử, mỗi khi đánh thắng giặc ngoại xâm, các triều đại phong kiến Việt Nam xưa đều ban hành những chính sách không chỉ để ổn định, cố kết lòng dân, hòa hợp dân tộc mà còn thể hiện bao dung, hòa hiếu với cả kẻ thù. Trên 7 thế kỷ trước, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lăng lần thứ ba (1288) của giặc Nguyên xâm lược, bắt được hòm tờ biểu của những người Việt gửi cho quân Nguyên để xin được làm quan (ta có thể gọi đó là Việt gian phản quốc), Thượng hoàng và nhà vua đã có một quyết định “vô tiền, khoáng hậu”: Ra lệnh đốt hết các bức thư ấy và không truy cứu một ai. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng “Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng những kẻ phản trắc” (Ngô Sỹ Liên (2011), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Thời Đại, tr. 318). Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV, vị thủ lĩnh của nghĩa quân - Lê Lợi luôn chăm chú vỗ về, và rất lưu ý tình đoàn kết quân dân. Đặc biệt, Lê Lợi luôn tạo điều kiện để những kẻ lầm đường, lạc lối “đái công, chuộc tội”: “Đối với những người lầm đường theo giặc, nếu hối cải trở về với Tổ quốc thì tha thứ cho đái tội lập công” (Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 318).

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ thứ XV, sau khi quân giặc chịu thua và rút khỏi nước ta, trước tội ác “trời không dung, đất không tha” của giặc trong những năm đô hộ dân ta, rất nhiều người khuyên nhà vua hãy giết số quân Minh đã đầu hàng. Trước những lời khuyên ấy, Lê Lợi đã tuyên bố: “Việc phục thù trả oán là thường tình của mọi người, nhưng không ưa giết người là bản tính của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng mãi tới muôn đời, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người để dứt mối chiến tranh đến muôn thuở, công việc sẽ chép vào sử xanh, tiếng thơm sẽ truyền mãi tới ngàn thu, há chẳng lớn ư!” (Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 70).

Cũng vậy, sau khi chiến thắng giặc Thanh xâm lược, không những chiêu nạp và nuôi dưỡng tất cả tù binh và tàn binh quân Thanh, vua Quang Trung đã sai thu nhặt xác quân Thanh trên các chiến trường chôn cất và lập đàn cúng tế. Bài văn tế của nhà vua trước nấm mồ quân xâm lược đã biểu thị tấm lòng khoan dung, độ lượng của người chiến thắng: “Nay ta: Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi/ Bảo lập đàn bên sông cúng tế/ Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc/ Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô/ Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời Nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí/ Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành/ Nhưng mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống” (Phan Huy Lê: “Đại thắng Thăng Long xuân Kỷ Dậu - 1789”, Văn hóa Việt Nam tổng hợp, Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, Hà Nội, 1989, tr. 52).

Nguyễn Tất Thành sinh ra trong bối cảnh nước mất, nhà tan, ra đi tìm đường cứu nước khi các phong trào của các sĩ phu, trí thức và lãnh tụ khởi nghĩa nông dân đương thời đã đi vào ngõ cụt. Mang trong mình dòng máu yêu nước cháy bỏng thiết tha và lòng yêu nước thương dân tha thiết, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin để rồi từ đây tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Trên hành trình gian lao ấy, Người đã tiếp thu nhiều giá trị của các nguồn tư tưởng, lý luận khác nhau: từ tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo, dân chủ đến tư tưởng duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin. Có lẽ vì vậy mà Hồ Chí Minh luôn tôn trọng những quan điểm khác nhau của các tư tưởng ấy và tìm thấy trong các tư tưởng này những nét tương đồng là cùng mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Trong hành trình trên con đường tìm đường cứu nước gian lao ấy, có điều kiện đi qua và dừng chân ở nhiều châu lục khác nhau, tiếp xúc với nhiều tầng lớp người trong xã hội, Nguyễn Tất Thành đã thấu hiểu thêm nỗi đau của những con người bị áp bức, vì vậy mà Người đã rút ra kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái mà thôi: tình hữu ái là thật vô sản” (Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.266). Đi qua nhiều châu lục khác nhau, tận mắt thấy và tai nghe nên Nguyễn Ái Quốc đã rút ra một chân lý rằng Nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù. Người viết dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người là giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái mà thôi: tình hữu ái vô sản. Từ đó, Người đã đi đến một quyết định dứt khoát: Đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, để con người được hưởng đầy đủ những quyền làm người. Trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, tư tưởng này được vang lên: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người cũng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì (Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 64)”.

Như vậy, có thể thấy tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống khoan dung, nhân nghĩa, hòa hiếu sâu xa của của dân tộc Việt Nam, từ sự tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa trên thế giới.

(CÒN NỮA)

VŨ TRUNG KIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/ho-so-tu-lieu/202505/khoan-dung-ho-chi-minh-ket-tinh-cua-van-hoa-dan-toc-va-viec-van-dung-trong-hoa-hop-dan-toc-hien-nay-ky1-ff40bde/