'Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc'
Kinh tế của TPHCM đang rơi vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, tăng trưởng chỉ còn 0,7%, hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn 2 con số.
Nhưng chắc chắn đó chưa phải là đỉnh điểm của khó khăn, mà tình hình có thể diễn biến phức tạp và xấu hơn nữa trong thời gian tới. Làm gì để thoát khỏi tình trạng này?
Kích cầu từ nội tại
TPHCM tăng trưởng dựa trên 3 lĩnh vực chính, là bất động sản (BĐS), dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Cả 3 lĩnh vực đều rơi vào thế khó: BĐS đóng băng rất sâu, các loại hình dịch vụ vẫn chưa thoát khó khăn sau dịch, còn sản xuất chủ yếu dựa vào việc gia công cho nước ngoài, trong khi các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ cũng rơi vào khủng hoảng nên các đơn hàng giảm hẳn, hoặc bị đứt gẫy.
Trước tình hình đó, Chính phủ đang tìm cách gỡ khó về thể chế, đồng thời bộ máy công quyền của TP đang nỗ lực thoát ra khỏi tình trạng này. Mọi giải pháp được khởi động từ nỗ lực phá băng thị trường BĐS, thu hút khách du lịch, cho đến động viên sức năng động sáng tạo của bộ máy. Nhưng để làm chuyển động cả hệ thống, sự nỗ lực vượt khó không chỉ ở phía Nhà nước, chính quyền mà còn cả phía người dân.
Một trong những hoạt động thiết thực nhất cho nền kinh tế gượng dậy mà người dân có thể làm được, là phải gia tăng mua sắm. Bởi nếu dòng chảy hàng hóa bị chậm, ứ đọng hay không tiêu thụ được, sản xuất không được, điều đó đồng nghĩa với doanh nghiệp phá sản, Nhà nước không thu được thuế, người lao động mất việc làm, các hoạt động khai thác nguyên liệu, chế biến vật liệu cũng vì thế đứt nguồn.
Trong khi thực tế cho thấy, khi rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế, người dân phải thắt lưng buộc bụng, chi tiêu dè xẻn. Trước tình hình hình đó, để kích cầu Chính phủ và doanh nghiệp phải có kế hoạch thúc đẩy người dân chi tiêu.
Giảm thuế, phí cho người dân
Ở nhiều quốc gia, hầu hết các chính phủ đều giảm các loại thuế đánh trên hàng hóa 10-12%, và giảm hay miễn các loại phí dịch vụ liên quan đến y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, giao thông công cộng; giảm giá điện, nước, gas và các loại thực phẩm thiết yếu… Gần đây nhất, chính phủ Đức đã quyết định giải ngân gói ngân sách 200 tỷ EUR nhằm hỗ trợ các gia đình chịu ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng vọt, đảm bảo các gia đình thu nhập thấp được sử dụng máy sưởi ấm không phải trả thêm phí tổn.
Tương tự, chính phủ Anh cũng công bố gói ngân sách trị giá 1,5 tỷ bảng nhằm nâng cấp khoảng 130.000 căn nhà thu nhập thấp và giúp người dân giảm bớt gánh nặng cho năng lượng. Hay chính phủ Mỹ đã chi cho mỗi người lớn 1.200USD và mỗi trẻ em 500USD để có tiền mua sắm. Số tiền này được chuyển trực tiếp vào tài khoản hay bằng séc đến tận nhà người nhận.
Mới đây nhất, Chính phủ Việt Nam cũng đã đồng ý phương án giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, kéo dài đến hết năm 2023. Bộ Tài chính cũng đề xuất hạ mức thu 35 khoản phí, lệ phí trong nửa cuối năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Với đề xuất lần này, Bộ Tài chính ước tính ngân sách sẽ giảm thu 5.800 tỷ đồng mỗi tháng và 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nay. Nhưng đổi lại, gánh nặng trên vai doanh nghiệp và người dân sẽ nhẹ đi phần nào.
Chính phủ cũng vừa quyết định giao NHNN triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội (NoXH), nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NoXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, được vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân trung, dài hạn của các NHTM nhà nước trên thị trường.
Cần quyết liệt và đồng lòng
Cần ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ cho thị trường và cho người dân. Nhưng để có tác động mạnh hơn, các hỗ trợ cần nhiều hơn, lớn hơn và mạnh hơn. Như có thể thuế VAT giảm xuống còn 5% cho người tiêu dùng, NHTM giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận được. Một số mặt hàng trong rổ lương thực cần giảm sâu hơn và cần hỗ trợ trực tiếp qua giá hoặc các gói tài chính…
Mặc dù bị Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, nhưng những năm gần đây kết quả thu ngân sách nhà nước luôn vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Chẳng hạn, năm 2011 vượt 16,8%, năm 2022 vượt 27,76%, quý I-2023 tăng 5,3% so với cùng kỳ 2022.
Giá như việc thu ngân sách nhẹ hơn, rất có thể nhiều doanh nghiệp còn cơ hội tồn tại. Lịch sử từng ghi nhận việc miễn giảm thuế cho dân trong giai đoạn kinh tế khó khăn đã được Nhà nước thực hiện. Chẳng hạn, trong 2 năm 1990 và 1991 đã miễn thuế nông nghiệp cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các hộ nông dân, mỗi năm miễn 50%.
Cùng tham gia hỗ trợ người dân an sinh và kích cầu, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài việc cố gắng thu xếp giảm thiểu việc sa thải nhân công, duy trì mức thu nhập cho công nhân, các chủ doanh nghiệp có thể hỗ trợ bằng cách giảm giá các mặt hàng mình đưa ra thị trường. Chẳng hạn, CTCP Ba Huân mỗi ngày cung cấp cho thị trường hơn 1 triệu quả trứng gà, vịt, dù khó khăn nhưng kiên quyết không tăng giá trứng, với quan niệm "chỉ có dân nghèo mới xài nhiều trứng, nên tôi để giá bình ổn không tăng giá".
Bên cạnh nhiều công ty giảm giá sản phẩm, lại có những loại hàng hóa, dịch vụ dường như cứ tăng lên không thấy giảm, chẳng hạn như học phí các trường đại học, giá xăng dầu, giá thuốc, giá vé máy bay…
Năm 1300, tức là cách đây 723 năm, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - Đức Thánh Trần, trước khi mất 2 tháng, đã tâu với vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Trong những ngày khó khăn này, lời dạy của Đại Vương vẫn còn nguyên giá trị đối với những người quản trị quốc gia.
Đề xuất hạ mức thu 35 khoản phí, lệ phí trong nửa cuối năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bộ Tài chính ước tính ngân sách sẽ giảm thu 5.800 tỷ đồng mỗi tháng và 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nay. Nhưng đổi lại, gánh nặng trên vai doanh nghiệp và người dân sẽ nhẹ đi phần nào.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/khoan-thu-suc-dan-de-lam-ke-sau-re-ben-goc-post103910.html