Khoảng 300-500 tỷ USD mỗi năm thu được từ hoạt động phạm tội rửa tiền

Đại biểu Quốc hội cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 300- 500 tỷ USD thu được từ hoạt động phạm tội rửa tiền.

Việt Nam đã xét xử 3 vụ án với tội danh rửa tiền

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 01/11/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu thảo luận tại hội trường

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - đoàn Lạng Sơn cho biết, việc xác định tội phạm rửa tiền trong thực tế là rất khó khăn.

Đại biểu cho biết, Ngân hàng Thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 300- 500 tỷ đôla thu được từ hoạt động phạm tội rửa tiền. Ở nước ta, theo số liệu báo cáo cung cấp, đến nay Việt Nam đã xét xử 3 vụ án với tội danh rửa tiền theo Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị báo cáo tổng kết cần phải đề cập rõ hơn bức tranh tổng thể hoạt động rửa tiền của nước ta hiện nay ra sao, tiền thường được rửa dưới hình thức nào, quy mô ra sao, lĩnh vực nào là chính…? "Đây là thông tin quan trọng để các đại biểu Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định góp ý cho các quy định của dự thảo luật" - đại biểu nêu.

Về khái niệm rửa tiền, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, nếu coi tội phạm rửa tiền là tội phạm hình sự thì phải quy định trong Bộ luật Hình sự, phải có nguyên tắc của pháp luật hình sự; không quy định trong Bộ Luật hình sự thì không phải là tội phạm hình sự. Do đó đại biểu cho rằng cần thiết kế lại vấn đề này để tránh gây hiểu lầm.

Đối với định nghĩa về tài sản, đại biểu đoàn Lạng Sơn cho rằng, trong thời đại công nghệ hiện nay, quy định như trong dự thảo luật vẫn thiếu, chưa đầy đủ. Theo đại biểu, hiện nay chưa có khái niệm ảo, tiền ảo hoặc tài sản ảo, số hóa,... do đó cần phải quy định thêm tài sản ảo, tài sản số hóa và tài sản mã hóa sẽ bao gồm được nhiều hình thức tiền và hình thức tài sản hiện nay đang bắt đầu sử dụng. Khái niệm và thực tiễn hiện nay rộng, nếu chỉ quy định như trong dự thảo luật sẽ không bao quát hết và sẽ khó áp dụng.

Hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền kinh tế

Đại biểu K’Nhiễu - đoàn Lâm Đồng cho hay, hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền kinh tế, tài chính, kinh tế quốc gia nên việc phòng, chống rửa tiền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bao gồm các biện pháp và hoạt động có thể thực hiện để có thể ngăn chặn các hành vi rửa tiền, được sử dụng bất cứ hình thức nào.

"Phòng, chống rửa tiền là yêu cầu cấp bách và cũng là thách thức đối với nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng" - đại biểu đoàn Lâm Đồng nêu, đồng thời cho biết, nhiều nguồn vốn được đổ vào nước ta thông qua các hình thức đầu tư, vì vậy, việc chỉ ra nguyên nhân tiềm ẩn tội phạm tài chính trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam là rất đáng quan tâm.

Theo đại biểu K’Nhiễu, việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 là một dấu mốc quan trọng để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, là một trong những yếu tố then chốt để phát hiện, ngăn chặn và sửa chữa kịp thời các hành vi rửa tiền, thúc đẩy việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền trong thời gian tới.

Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu K’Nhiễu đề nghị, xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành, đồng thời đề nghị rà soát nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu nhấn mạnh, khi sửa đổi các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cần đánh giá tới mức độ thực tiễn về tính khả thi, tức là từ các nguồn lực để tổ chức thực hiện, lộ trình thực hiện… của các quy định được sửa đổi, bảo đảm các đối tượng báo cáo, các cơ quan quản lý nhà nước đều có thể hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình. Quy định này bắt buộc đối tượng báo cáo phải chủ động thực hiện trách nhiệm báo cáo.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khoang-300-500-ty-usd-moi-nam-thu-duoc-tu-hoat-dong-pham-toi-rua-tien-225388.html