Khoe bảng điểm của con trên mạng xã hội, lợi ít hại nhiều!
Những phụ huynh khác có con học cùng lớp bị điểm kém thấy được bài đăng dễ nảy sinh tâm lý ganh tị. Cuối cùng lại đặt gánh nặng học hành lên con cái.
Việc các phụ huynh thi nhau đưa bảng điểm, thành tích sáng giá của con mình lên tung hô trên các trang mạng xã hội vào sau mỗi đợt thi học kỳ nhộn nhịp đến mức nhiều người ví von đó như những phiên chợ, cứ đến hẹn lại lên.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa lường hết những mặt trái có thể mang lại từ những hành động tưởng chừng là vô thưởng vô phạt này.
Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ xã hội học Thân Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Tri thức (ITCD), Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho rằng:
“Việc bố mẹ đưa thành tích học tập của con cái mình lên mạng xã hội cho nhiều người biết đó cũng là một dạng tâm lý rất bình thường.
Bởi lẽ, cha mẹ luôn cảm thấy tự hào về con cái khi chúng đạt được những thành tích tốt trong học tập.
Tuy nhiên, cha mẹ nên biết rằng việc khoe kết quả học tập của con lên mạng xã hội sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi cho trẻ.
Đưa thành tích học tập của con lên mạng ngoài việc thể hiện về sự tự hào về con cái thì nó cũng góp phần động viên con trẻ tích cực học tập hơn nữa tuy nhiên điều này chủ yếu xảy ra ở cấp tiểu học.
Còn ở những bậc học cao hơn các em thường không muốn phụ huynh đưa thành tích học tập của mình lên.
Vì chúng không muốn kết quả học tập của chúng trở thành chủ đề thảo luận với những ý kiến trái chiều nhau trên mạng xã hội”.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Dũng còn khẳng định, nhiều trẻ hiện nay nhận thức được vấn đề rất sớm, khi biết bố mẹ và mọi người khen ngợi thành tích học tập của mình thì rất dễ dẫn đến tâm lý thỏa mãn và có tư tưởng mình đã giỏi rồi, được mọi người công nhận rồi thì mình không cần học nữa, không cần phấn đấu nữa.
Mặt khác, nếu xét về khía cạnh luật pháp thì việc đưa kết quả học tập của con lên mạng xã hội nếu không được sự đồng ý của con là vi phạm quyền riêng tư, vi phạm Luật trẻ em và có thể gây ra những hệ lụy xấu thậm chí ảnh hưởng đến sự an toàn và tính mạng của trẻ em nếu kẻ gian nắm bắt được những thông tin cụ thể về trường lớp của con trẻ.
Có thực trạng đang rất phổ biến đó là, khi những phụ huynh có con đạt thành tích cao mang bảng điểm ra khoe, nếu những phụ huynh khác có con học cùng lớp bị điểm kém thấy được rất dễ nảy sinh tâm lý ganh tị.
Cuối cùng họ lại đặt gánh nặng học hành lên con cái, rồi bắt con ôn luyện, bắt con học thêm, vừa tốn kém tiền của công sức, lại vừa tạo áp lực học hành lên con trẻ chỉ để mong được bằng bạn bằng bè và thỏa mãn sự đố kỵ trong lòng các phụ huynh.
Như vậy, trong chuyện khoe mẽ này của bố mẹ, bọn trẻ vô tình trở thành nạn nhân.
Không những thế, tâm lý chung của các bậc phụ huynh người Việt từ trước tới nay là hay so sánh con nhà mình với con nhà người ta khác nhau ra sao để dạy dỗ, giáo dục con mình mà không quan tâm đến việc mỗi đứa trẻ sẽ có những năng lực, sở trường khác nhau.
Chính vì vậy, khi thấy con không đạt được thành tích như các bạn bè khác, nhiều người tìm cách để nâng thành tích lên, ngoài việc bắt ôn luyện đơn thuần, thậm chí còn nảy sinh ra chuyện chạy điểm, mua điểm gây bất công trong xã hội.
Học bạ toàn 10 thi dưới trung bình phải xem trách nhiệm giáo viên, nhà trường
Không chỉ riêng về khía cạnh đố kỵ giữa các phụ huynh với nhau mà thực trạng bệnh thành tích trong ngành giáo dục không chỉ tạo ra những áp lực học tập rất lớn đến con cái mà còn tạo ra áp lực đến cả các bậc phụ huynh đặc biệt là những phụ huynh thích thành tích, thích “sống ảo”.
Về các ảnh hưởng đối với tâm lý các học sinh nếu cha mẹ cố chạy theo bảng điểm để có cái đăng lên mạng xã hội, Tiến sĩ Dũng cho rằng: “Thực tế cho thấy những trường hợp học sinh chịu áp lực học tập quá lớn, khiến các em phải vùi đầu vào học tập làm nhiều trẻ bị khiếm khuyết đi các mặt khác, trong đó có những yếu tố bắt buộc phải có để phát triển song hành với chuyện kiến thức học hành.
Một điều lớn nhất dễ nhận thấy ở các em bị gánh nặng học hành đó là việc thiếu đi rất nhiều kỹ năng trong cuộc sống, chúng có nhiều kiến thức dạng sách vở nhưng khi ra xã hội chúng chỉ là những chú “gà công nghiệp” mà thôi.
Theo quan điểm của riêng tôi, trong việc học hành đồng ý là phụ huynh cần sâu sát việc học của con theo những chương trình bắt buộc trong quá trình học tập, nhưng đừng bao giờ quá đặt nặng vấn đề thành tích với con cái của mình.
Ngoài việc hướng dẫn, giúp đỡ các em học kiến thức phụ huynh nên tăng cường giáo dục những kỹ năng sống cơ bản, tạo điều kiện thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, các môn năng khiếu và giao tiếp ứng xử giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.
Điều dễ nhận thấy là nếu phụ huynh nào đặt áp lực cho con cái thì chúng sẽ dễ mất đi tuổi thơ và đáng ra chúng phải được tận hưởng.
Vì thế, phụ huynh cũng nên có những cách khác để con cái vẫn cảm nhận được rằng bố mẹ vẫn đang quan tâm đến kết quả học tập của chúng mà không cần phải đưa những thành tích ấy lên mạng xã hội.
Đó có thể là động viên con bằng những cách cụ thể khác như: Tặng cho con những món quà liên quan đến việc học tập, những kỳ nghỉ bổ ích hoặc cho con những điều ước mang tính động lực để khiến các con biết rằng để có được những điều ước ấy thì bản thân chúng phải tự phấn đấu.
Ngược lại, với những bậc phụ huynh có con có thành tích học tập kém chúng ta cũng không nên áp đặt hay bắt chúng phải thực hiện những kỳ vọng của chính mình.
Chẳng hạn như: Ngày xưa mình vốn học kém giờ con mình cũng học kém lại thấy cay cú so với bạn bè đồng lứa là không nên.
Rồi bắt con mình bằng mọi giá phải đạt được thành tích này, thành tích kia làm ảnh hưởng đến tuổi thơ của chúng.
Bên cạnh đó, cũng phải định hướng cho chúng trong tương lai nếu chúng muốn có được những điều mình muốn thì ngay từ ban đầu chúng cần tự giác học tập, tu dưỡng bản thân, chính chúng mới tự đổi thay được cuộc đời chúng chứ không ai làm thay được điều đó cho chúng cả”.