Khối BRICS đưa ra tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến
Hôm thứ Năm (23/6), 'Tuyên bố Bắc Kinh' đã được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2022 diễn ra theo hình thức trực tuyến giữa 5 nguyên thủ các quốc gia gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc tuân thủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, ủng hộ một thế giới không có vũ khí hạt nhân và kêu gọi các nước phát triển thực hiện "các chính sách kinh tế có trách nhiệm, đồng thời thúc đẩy sự lan tỏa của các chính sách". Dưới đây là những điểm chính của tuyên bố:
Hình ảnh các nhà lãnh đạo các quốc gia khối BRICS tham gia hội nghị trực tuyến vào cuối ngày 23/6. Ảnh: MEAIndia
Tổng thống Vladimir Putin tham gia Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2022 từ đầu cầu phía Nga. Ảnh: TASS
Trước đó một ngày, ngày 22/6, các nhà lãnh đạo cũng đã có bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS. Ảnh: AP
Cuộc chiến ở Ukraine
"Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Ukraine và nhắc lại các lập trường của các quốc gia chúng tôi như đã được bày tỏ tại các diễn đàn phù hợp, cụ thể là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) và Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA). Chúng tôi ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine", tuyên bố viết.
Hiệp hội lên tiếng ủng hộ những nỗ lực của LHQ và Tổng thư ký Antonio Guterres, cũng như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế về việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Chính sách toàn cầu
Các quốc gia BRICS tái khẳng định "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc giải quyết hòa bình các khác biệt và tranh chấp" và "cam kết mạnh mẽ về giải trừ hạt nhân".
Các nhà lãnh đạo lên tiếng ủng hộ "một Afghanistan hòa bình, an ninh và ổn định", đồng thời nhấn mạnh tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết dân tộc và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này"; đồng nhấn mạnh rằng “lãnh thổ của nước này không được sử dụng để đe dọa hoặc tấn công bất kỳ quốc gia nào hoặc để trú ẩn hoặc huấn luyện những kẻ khủng bố, hoặc để lập kế hoạch tài trợ cho các hoạt động khủng bố".
BRICS hy vọng thành công của các cuộc đàm phán về khôi phục Thỏa thuận Hạt nhân Iran và ủng hộ các cuộc đàm phán song phương và đa phương để giải quyết "tất cả các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
Hiệp hội tiếp tục vận động "cải tổ toàn diện LHQ, bao gồm cả Hội đồng Bảo an", nhằm tăng cường sự đại diện của các nước đang phát triển để tổ chức này có thể ứng phó thỏa đáng với các thách thức toàn cầu. Khối BRICS cũng kêu gọi bảo tồn và củng cố hệ thống kiểm soát vũ khí.
Kinh tế, thương mại và lương thực
"Sự phục hồi không cân bằng sau đại dịch đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới… động lực tăng trưởng toàn cầu đã suy yếu và triển vọng kinh tế giảm sút" - tuyên bố có đoạn viết.
Các nhà lãnh đạo BRICS cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các nước phát triển áp dụng các chính sách kinh tế có trách nhiệm, đồng thời quản lý tác động lan tỏa của chính sách, tránh tác động nghiêm trọng đến các nước đang phát triển và ngăn ngừa rủi ro hệ thống về sự gián đoạn kinh tế và phân mảnh tài chính".
Năm nhà lãnh đạo thừa nhận "tầm quan trọng của việc tăng cường cơ chế Thu xếp Dự trữ Dự phòng (CRA), góp phần tăng cường mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu và bổ sung cho các thỏa thuận tài chính và tiền tệ quốc tế hiện có". Họ cũng hoan nghênh "các ngân hàng trung ương hợp tác hơn nữa".
Các nhà lãnh đạo chỉ ra rằng các quốc gia BRICS sản xuất khoảng 1/3 tổng lượng lương thực trên thế giới và lưu ý "tầm quan trọng chiến lược" của các yếu tố đầu vào cho nông nghiệp, bao gồm cả phân bón, đối với việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Khí hậu và đại dịch
Tuyên bố cho biết các nước phát triển phải có "trách nhiệm lịch sử đối với biến đổi khí hậu toàn cầu và nên đi đầu trong việc mở rộng các hành động giảm thiểu".
BRICS phản đối các rào cản thương mại xanh: "Tất cả các biện pháp được thực hiện để giải quyết biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học phải được thiết kế, thông qua và thực hiện hoàn toàn phù hợp với các hiệp định của WTO và không được tạo thành một phương tiện phân biệt đối xử tùy tiện hoặc vô cớ hoặc một hạn chế trá hình về thương mại quốc tế và không được tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế".
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo ra hệ thống cảnh báo sớm phức tạp đối với các nguy cơ dịch bệnh trong hiệp hội và nhấn mạnh rằng các quốc gia thành viên phải chuẩn bị tốt hơn cho các trường hợp khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe trong tương lai.
Hiệp hội cũng ủng hộ "phân phối công bằng vắc xin" và kêu gọi các cơ quan và tổ chức từ thiện quốc tế mua vắc xin "từ các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển, bao gồm cả ở châu Phi, để đảm bảo rằng khả năng sản xuất được duy trì".
Hoàng Hải (theo TASS)