Khởi công cầu dây văng có nhịp chính dài thứ hai Việt Nam tại ĐBSCL
Ngày 9/12, tại bờ Bắc sông Hậu thuộc xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) đã tổ chức lễ triển khai thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn 2 đầu cầu.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi nằm trên Quốc lộ 60 có tổng chiều dài 15 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao Quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, có vốn đầu tư 7.962 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, do Ban quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư. Toàn dự án có 5 nút giao, 7 cầu, được chia làm 4 gói thầu; phần tuyến thiết kế theo quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Trong đó, Gói thầu 15 - XL thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn 2 đầu cầu là gói thầu lớn nhất, có tổng giá trị xây lắp 3.907 tỷ đồng. Cầu Đại Ngãi 1 có chiều dài hơn 3 km, phần cầu chính dài 2,59 km, rộng 21,5 m đi qua luồng Định An của sông Hậu. Phần cầu chính dạng dây văng có 2 trụ tháp dạng chữ A cao 110 m (tính từ mặt cầu), sơ đồ nhịp chính 210 m + 450 m + 210 m.
Với thiết kế nhịp chính dài 450 m, cầu Đại Ngãi 1 chính thức trở thành cầu dây văng có nhịp chính dài thứ hai Việt Nam, chỉ sau cầu Cần Thơ.
Gói thầu này được thực hiện bởi liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu, gồm: CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - CTCP Đầu tư và xây dựng Thái Yên - CTCP Tập đoàn Thành Long - CTCP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên - CTCP Xây dựng và đầu tư 492 - Công ty TNHH Tập đoàn Định An.
Thời gian thực hiện gói thầu trong vòng 1.250 ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2028.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh, cầu Đại Ngãi khi hoàn thành sẽ cùng với cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam và với TP HCM; giúp rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, mở rộng giao thương và phá bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1.
Đại diện liên danh nhà thầu, ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho biết: “Ngay sau khi trúng thầu, chúng tôi đã tổ chức lập mạng lưới thi công, huy động nhân sự và ban điều hành dự án.
Song song đó, chúng tôi huy động thiết bị máy móc và triển khai thi công ngay sau lệnh thi công ngày hôm nay. Trên cơ sở tổng thể hợp đồng, chúng tôi xây dựng tiến độ chi tiết cho từng hạng mục, cho từng công đoạn và chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra để quản lý kiểm soát tiến độ”.
Trước đó, vào tháng 10/2023, cầu Đại Ngãi 2 đã khởi công xây dựng bởi liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP Đầu tư xây dựng Trường Sơn - CTCP Tập đoàn Đạt Phương - CTCP Tập đoàn Thuận An. Cầu Đại Ngãi 2 cùng với Cầu Đại Ngãi 1 là hai công trình cầu chính nằm trong Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60.
Cầu Đại Ngãi 2 vượt sông Hậu giáp cửa biển Trần Đề, nối liền huyện đảo Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng với đất liền, phá thế cô lập giữa sông Hậu của vùng đất này.
Cầu dài 862 m, mặt cầu rộng 17,5 m. Đến nay, đã hoàn thành 16/17 mố trụ cầu, đổ bê tông 39/46 đốt đúc hẫng, dự kiến hợp long đầu vào năm 2025.
Về các cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam, cầu Cần Thơ đang giữ vị trí số một. Đây là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, kết nối TP Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long khánh thành năm 2010. Tổng chiều dài cầu là 15,85 km và cao 175,3 m. Phần chính của cầu là kết cấu dây văng dài 1.010 m với nhịp giữa dài 550 m, được thiết kế cho tốc độ tối đa 80 km/h.
Với nhịp chính dài 550 m, cầu Cần Thơ trở thành cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á, đồng thời nằm trong Top 10 cầu dây văng có nhịp dài nhất thế giới. Sau 14 năm kể từ ngày khánh thành, cầu Cần Thơ vẫn duy trì hai kỷ lục này.