Khơi dậy các động lực tăng trưởng mới

Để đổi mới mô hình tăng trưởng cần có động lực tăng trưởng mới, trong đó phải có khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo (KHCN - ĐMST), chuyển đổi số (CĐS) và chuyển đổi xanh.

Bởi hiện nay mức đầu tư vào KHCN - ĐMST của Việt Nam mới chỉ bằng 1/4 mức trung bình của thế giới, đã vậy thể chế cho lĩnh vực này còn nhiều bất cập, hạn chế.

Những động lực mới

Xét cả góc độ lý luận quan điểm, thực tiễn và cả đường lối chính sách, đến lúc này có thể thấy rõ vai trò của KHCN - ĐMST và CĐS trong việc tạo ra các động cơ tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam. Trước tiên xét từ thực tiễn, điều này có thể nhìn thấy từ khá lâu, ở giai đoạn năm 2016-2017, khi Uber và Grab đã đặt chân vào Việt Nam và sau đó là sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Trước những diễn biến đó, cơ quan quản lý Việt Nam đã có cách tiếp cận rất đúng đắn, đó là vừa mở cửa, vừa cởi mở, nhưng vừa thận trọng để đón nhận làn sóng công nghiệp 4.0.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng đã đề ra về tầm nhìn và định hướng phát triển, “Thúc đẩy ĐMST, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.

Các Nghị quyết của Đảng, Quyết định, chương trình của Chính phủ sau đó đã liên tục khẳng định vai trò của KHCN - ĐMST đối với tăng trưởng kinh tế, là mô hình tăng trưởng mới của nền kinh tế, các nghiên cứu cũng cho thấy trụ cột của động cơ tăng trưởng hiện nay không gì khác ngoài KHCN - ĐMST và CĐS.

Trước đây, tăng trưởng kinh tế dựa trên chiều rộng và chiều sâu, chủ yếu tạo ra động lực từ việc thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, kích tổng cầu. Vậy lần này KHCN - ĐMST sẽ làm điều đó như thế nào?

Theo phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng CĐS, ứng dụng KHCN nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất, phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất”.

Vậy với cuộc cách mạng này thì lực lượng nòng cốt ở đâu? Câu trả lời chính là khu vực doanh nghiệp (DN), nhất là DN tư nhân sẽ đóng vai trò cơ chế truyền dẫn. Hiện nay, KHCN - ĐMST và CĐS đã góp phần cải thiện hoạt động kinh doanh của DN thông qua sự gia tăng về hiệu suất tổng thể, giảm thiểu chi phí, mở rộng thị trường, mang lại giá trị và nâng cao cơ hội tăng trưởng đối với chính họ. Nhận thức của DN Việt Nam về vai trò của KHCN - ĐMST và CĐS đã tăng rõ rệt trong vài năm gần đây.

Làm cách nào để khơi dậy động lực?

Quá trình KHCN - ĐMST và CĐS của Việt Nam đến lúc này cũng chỉ mới gọi là hơi mạnh. Vì các chủ trương, kế hoạch nằm trên giấy nhiều hơn là đi vào thực tiễn. Hơn nữa, xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp so với điều kiện của thế giới. Trong những cái thấp đó, cái thấp quan trọng nhất là hành lang pháp lý.

Việt Nam chưa tạo ra được những thể chế để bảo vệ các DN dám tiên phong đi đầu trong việc đổi mới mô hình kinh doanh, chuyển đổi mô hình kinh doanh áp dụng KHCN - ĐMST. Chính vì vậy đầu tư rất manh mún, không đồng bộ, và đặc biệt là không có đủ nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để thúc đẩy KHCN - ĐMST. Trong bối cảnh như vậy, có 3 vấn đề then chốt cần tập trung tháo gỡ.

Thứ nhất, Việt Nam cần phải tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp với tình hình mới. Hành lang pháp lý này phải có ý nghĩa trong việc bảo vệ, tạo ra sự an toàn cho những người dám tiên phong đi đầu.

Vì có rất nhiều tình huống trên thực tế cho thấy, sự thất bại của những DN phát triển khởi nghiệp, DN ĐMST và CĐS là do thể chế, chứ không phải do sự thất bại của thị trường. Có nghĩa là những DN đó bị loại bỏ khỏi cuộc chơi không phải vì sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh không hấp dẫn, không đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Họ bị loại vì sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh của họ không được hệ thống tiếp nhận, đặc biệt là hệ thống hành lang pháp lý.

Hiểu một cách nôm na, hệ thống giống như như một cơ thể yếu ớt, không phát triển, không thích nghi với một môi trường mới, nên lập tức phản ứng đầu tiên là phản ứng đào thải thay vì cố gắng chấp nhận cái mới. Điều đó sẽ làm nản lòng các DN tiên phong đi đầu. Và nếu ai cũng nhìn vào kinh nghiệm của người đi trước như vậy, họ sẽ không dám dấn thân và không bao giờ phát triển được.

Thứ hai đó là về nguồn lực. Chúng ta kêu gọi phải phát triển KHCN - ĐMST và CĐS, phải thúc đẩy khởi nghiệp, phải ủng hộ người có ý tưởng mới, có tư duy đổi mới, nhưng mà tiền đâu để thực hiện? Nếu muốn KHCN - ĐMST trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nguồn lực đặc biệt là nguồn lực về tài chính cũng được đầu tư một cách tương xứng, đặc biệt là việc phân phối vốn của nền kinh tế.

Hiện nay 70% vốn tín dụng của nền kinh tế chảy ra từ kênh ngân hàng, và hầu như được đầu tư vào bất động sản. Cho đến khi nào bất động sản vẫn còn bắt nền kinh tế làm con tin, thì đến lúc đó đầu tư KHCN - ĐMST vẫn còn nằm trên giấy.

Hiện có rất nhiều bạn trẻ rất năng động, sáng tạo với nhiều ý tưởng kinh doanh mới mẻ, nhưng không có tiền để đầu tư phát triển thành sản phẩm thương mại, và nhiều ý tưởng đã chết yểu, bởi không phải ai cũng tiếp cận được các quỹ đầu tư mạo hiểm, hay thắng những giải khởi nghiệp để có vốn đầu tư.

Điều này không thể đổ lỗi hết cho ngân hàng, vì ngân hàng kinh doanh có lợi nhuận, mục tiêu là bảo toàn vốn. Đầu tư cho KHCN - ĐMST tạo ra “cây trồng lâu năm”, vì vậy Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải làm sao có giải pháp để các ngân hàng có một tỷ lệ vốn nhất định cho KHCN - ĐMST.

Thứ ba, cần chuẩn bị cho những kịch bản xấu. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm như khi phát triển thị trường chứng khoán xảy ra bong bóng giá tài sản, khi phát triển thị trường trái phiếu có “quả bom nợ” 4 triệu tỷ đồng.

Vì vậy, khi phát triển KHCN - ĐMST cũng phải dự báo những rủi ro về khủng hoảng số, có thể đến từ tấn công mạng, đến từ thao túng dữ liệu, đến từ những kịch bản chiến đấu trên không gian mạng quy mô lớn ở tầm quốc gia. Nói cách khác, phát triển kinh tế số để bền vững, để tạo ra tác động tích cực cần phải chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất để phòng ngừa rủi ro.

GS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO, Phó Giám đốc ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) và nhóm nghiên cứu UEH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/khoi-day-cac-dong-luc-tang-truong-moi-post119091.html