Khơi dậy khát vọng của văn nghệ sĩ

ĐBQH TRẦN THỊ THU ĐÔNG

Ảnh: Q.Khánh

Ảnh: Q.Khánh

Tôi kỳ vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này sẽ chỉ ra đúng nguyên nhân chủ quan và khách quan của tình hình văn hóa, văn nghệ thời gian qua, từ đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp khả thi, thiết thực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; để văn hóa, văn nghệ thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, suốt 75 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà luôn luôn ghi nhớ sâu sắc và nỗ lực hết mình thực hiện bằng được những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc, nhân dân làm mục đích cao nhất, không chỉ thụ động phản ánh hiện thực cuộc sống mà phải chủ động dấn thân vào thực tiễn cách mạng để cổ vũ, khuyến khích và bảo vệ chân, thiện, mỹ; để phê bình, đả phá những thói hư tật xấu, tệ nạn, tội phạm và các xu hướng lối sống tiêu cực, tất cả nhằm hướng tới việc vun bồi nguyên khí quốc gia, khơi dậy khát vọng của dân tộc, củng cố niềm tin, bồi bổ tinh thần yêu nước, nhân ái, độc lập, tự chủ, tự cường của quốc dân.

Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng sự quan tâm và những kỳ vọng lớn lao. Từ đấy, nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận, những thành tựu văn hóa, văn học, nghệ thuật mà Việt Nam đã đạt được từ khi đất nước đổi mới đến nay chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước, còn ít công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Để lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam phát triển tương xứng với sự phát triển của đất nước và khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền văn học nghệ thuật thế giới, tôi nghĩ cần quan tâm đến một số vấn đề. Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn phẩm chất đạo đức. Thứ hai, hoàn thiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong ngành văn hóa, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật, một lĩnh vực mà nhân lực đòi hỏi phải có năng khiếu.

Thứ ba, sớm bổ sung việc xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT cho cả nghệ sĩ sáng tác có quá trình cống hiến và đạt được tiêu chí theo quy định, nhằm góp phần động viên, khích lệ, tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Thứ tư, để tiếp tục lan tỏa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và lưu giữ những hình ảnh, tư liệu quý của lịch sử phát triển dân tộc, Đảng và Nhà nước, cần đầu tư xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Việt Nam.

Hương Sen ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoi-day-khat-vong-cua-van-nghe-si-7tx55pzhwj-66355