Khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Từng người dân Việt Nam cần tự trau dồi, học hỏi, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng số để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” diễn ra mới đây.
Thông điệp ấy không chỉ là lời hiệu triệu toàn dân, mà còn là định hướng hành động rõ ràng cho các địa phương - trong đó có Phú Yên - trên hành trình bứt phá trong kỷ nguyên số.
Nhìn lại hành trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo ở Phú Yên thời gian qua, có thể thấy những bước đi đầu tiên đã được triển khai. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi còn chậm và chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 do Bộ KH&CN công bố vào đầu năm nay, Phú Yên chỉ đạt 32,26 điểm, xếp vị thứ 42/63 tỉnh, thành phố; tụt 1 bậc và giảm 1,75 điểm so với năm 2023. Thứ hạng này cho thấy tỉnh vẫn đang nằm ở nhóm trung bình và chưa thực sự tận dụng tốt tiềm năng đổi mới.
Trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn triển khai công nghệ thông tin theo kiểu hành chính hóa, hình thức. Một bộ phận cán bộ, công chức còn tâm lý e ngại với cái mới. Số lượng doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ còn rất hạn chế, trong khi ý thức và kỹ năng số trong cộng đồng chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Dù còn nhiều thách thức, Phú Yên không đứng ngoài cuộc. Tháng 2/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 47-NQ/TU về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực phát triển mới.
Tiếp đó, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do đồng chí Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Đây là đầu mối chỉ đạo xuyên suốt, nhằm bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong triển khai các chương trình trọng tâm.
Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn và đặc thù từng lĩnh vực; khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Song song đó, tỉnh cũng đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, phổ cập kỹ năng số cho người dân, hỗ trợ hộ nông dân và tiểu thương đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, sân chơi sáng tạo cho học sinh, sinh viên và tập huấn chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức. Những tín hiệu tích cực này cho thấy tiền đề cho hành trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đã bước đầu hình thành.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển bền vững, Phú Yên cần tăng tốc hơn nữa trong việc xây dựng hạ tầng số, phát triển dữ liệu mở, cải thiện môi trường pháp lý và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực số - yếu tố quyết định sự thành công của mọi chiến lược đổi mới và chuyển đổi.
Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo không phải là phong trào, càng không thể là khẩu hiệu. Thông điệp từ Thủ tướng Chính phủ là lời nhắc nhở rằng: nếu chậm trễ, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Hiện tỉnh đã có Ban chỉ đạo thống nhất, có chiến lược cụ thể, có hạ tầng công nghệ bước đầu và đặc biệt là có quyết tâm chính trị rõ ràng. Điều cần thiết lúc này là từng cán bộ, từng doanh nghiệp, từng người dân thay đổi tư duy, tiếp cận công nghệ, áp dụng đổi mới vào công việc hằng ngày.
Chỉ khi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành một phần trong nếp nghĩ, cách làm của từng tổ chức, từng cá nhân, thì khát vọng phát triển nhanh và bền vững của tỉnh mới có thể trở thành hiện thực trong thời đại số.