Khơi dậy phong trào đọc sách mùa hè

Trong những ngày hè, bên cạnh việc cho con em tham gia các lớp kỹ năng sống, năng khiếu, nhiều gia đình thường xuyên đưa trẻ đến các không gian đọc để khám phá những cuốn sách hay, bồi đắp tri thức. Đây là môi trường giải trí an toàn, lành mạnh và bổ ích, giúp các em tránh xa những trò chơi vô bổ, nguy hiểm và các tệ nạn xã hội.

Không gian đọc An Dục, xã Tân Tiến.

Không gian đọc An Dục, xã Tân Tiến.

Không gian đọc - điểm đến của nhiều lứa tuổi

Trong những ngày hè, dạo quanh các không gian đọc, hay thư viện, dễ dàng bắt gặp các em thiếu niên, nhi đồng và cả những người trung niên, cao tuổi đang tìm những cuốn sách hay. Tại không gian đọc “Ngọn nến hồng” của chị Bùi Thị Hà, một người khuyết tật ở xã Nguyễn Du, trong ngôi nhà mái bằng nhỏ xinh, chị Hà dành toàn bộ không gian phòng khách để làm phòng đọc sách, tủ sách miễn phí. Ông Trần Trung Thinh dù nhà xa nhưng thường xuyên đến không gian đọc “Ngọn nến hồng” để tìm sách mượn về đọc. Ông Thinh cho biết: Đọc sách đã trở thành niềm đam mê của tôi nhiều năm nay. Tại không gian đọc này, tôi tìm được nhiều cuốn sách hay, không gian đọc ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè nên nhiều khi nán lại đây hàng buổi để đọc sách.

Bạn đọc tại không gian đọc "Ngọn nến hồng", xã Nguyễn Du.

Bạn đọc tại không gian đọc "Ngọn nến hồng", xã Nguyễn Du.

Mặc dù là người khuyết tật song với tình yêu với sách, chị Bùi Thị Hà ấp ủ xây dựng không gian đọc để vừa làm giàu kiến thức cho bản thân vừa giúp mọi người xung quanh tiếp cận sách và đọc sách. Ban đầu, chị tự gom mua sách từ những người bán sách cũ. Dần dà, từ việc kêu gọi những người bạn và nhiều không gian đọc trong cả nước… chị đã xây dựng không gian đọc “Ngọn nến hồng”. Từ chỗ chỉ có vài chục đầu sách, dần dần số lượng sách tại không gian đọc tăng lên. Hiện nay tại không gian đọc “Ngọn nến hồng” có trên 2.000 đầu sách.

Học sinh đến đọc sách tại thư viện chùa Thiên Phúc, xã Quỳnh Phụ.

Học sinh đến đọc sách tại thư viện chùa Thiên Phúc, xã Quỳnh Phụ.

Nở rộ không gian đọc

Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều không gian đọc tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, thư viện nhà chùa… hoạt động ở các địa phương. Chùa Thiên Phúc ở xã Quỳnh Phụ đã xây dựng và duy trì hoạt động thư viện của nhà chùa vớitrên 6.000 đầu sách.Những ngày nghỉ hè, thư viện đã trở thành điểm đến hấp dẫn của học sinh.Chị Lưu Minh Nguyệt và 2 con của mình gắn bó với thư viện này đã gần 10 năm. Vào ngày nghỉ cuối tuần và những ngày hè, chị thường đưa con đến thư viện nhà chùa đọc sách. Chị Nguyệt chia sẻ: Với số lượng đầu sách phong phú, đây chính là không gian lý tưởng để các con tôi tìm kiếm tri thức. Không gian nhà chùa thanh tịnh, đến đây các con còn được học cách sống hiền hòa, thân thiện với môi trường và mọi người xung quanh mình. Sư cô Thích Nư Quảng Phát, trụ trì chùa Thiên Phúc, xã Quỳnh Phụ cho biết: Cùng với sách Phật giáo dành cho các Phật tử, tại thư viện còn có nhiều đầu sách dành cho lứa tuổi mầm non, sách văn học, giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên... Mục tiêu của nhà chùa là xây dựng một nguồn sách phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc sách của hầu hết các lứa tuổi.

Không gian đọc chùa Thiên Phúc, xã Quỳnh Phụ.

Không gian đọc chùa Thiên Phúc, xã Quỳnh Phụ.

Lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng là giai đoạn quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Trong giai đoạn này, văn hóa đọc rất cần thiết cho các em trong quá trình học tập, lĩnh hội tri thức và các giá trị văn hóa của nhân loại. Bên cạnh Thư viện tỉnh, sự ra đời của các không gian đọc, tủ sách cộng đồng, tủ sách tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình tại các địa phương đang góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phầnkhơi gợi tinh thần “Học, học nữa, học mãi” trong thanh, thiếu niên và trong nhân dân.

Hồng Thắm

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khoi-day-phong-trao-doc-sach-mua-he-3183121.html