Khơi dậy sức sống Tết Cung đình Thăng Long
Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, những nghi lễ trong hoàng cung Thăng Long xưa được tổ chức tôn nghiêm, trang trọng, nhằm thể hiện sự hưng thịnh của quốc gia, sự bình an, no ấm cho nhân dân.
Ngày 22.1, âm vang một mùa Tết nơi hoàng cung vang vọng trở lại trong tâm tưởng hậu thế, qua chương trình trình diễn đầy sống động tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Các lễ thức diễn ra trước thời điểm Giao thừa chứa đựng quan niệm Tống cựu nghinh tân, tức tiễn cái cũ đi để đón năm mới về. Nhân dịp chào đón mùa xuân mới – xuân Ất Tỵ 2025, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Chương trình trình diễn, tái hiện nghi lễ Tống cựu nghinh tân. Qua đó, làm sống dậy trước mắt công chúng và du khách các nghi thức, phong tục dân gian và cung đình độc đáo. Hoạt động này góp phần gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, khơi nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trong chương trình, ban tổ chức đã tái hiện loạt các nghi lễ chuẩn bị cho một năm mới trong cung đình Thăng Long xưa như: Lễ Tiến lịch và Ban lịch, Lễ Ông công ông táo, Lễ dựng cây nêu.
Theo PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đây là các nghi lễ được nhà vua và triều đình thực hiện trong dịp Tết Nguyên Đán, diễn ra từ cuối tháng Chạp đến rằm Tháng Giêng. Cùng với đó là màn tái hiện nghi thức đổi gác, được đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu, phỏng dựng tương đối kỹ lưỡng, giúp cho người xem phần nào được sống lại bầu không khí cách nay hàng trăm năm.
Đối với lễ Tiến lịch, ngay từ thời Lý đã cho xây dựng đài quan sát thiên văn, tính toán giờ khắc. Thời Trần đã thành lập cơ quan chuyên trách là Thái sử cục, Thái sử lệnh Đặng Lộ đã soạn ra bộ lịch Hiệp Kỷ rất phù hợp với đặc điểm khí hậu nước ta.
Đến thời Lê, Tư Thiên Giám được thành lập thay thế cho Thái sử cục, trở thành cơ quan biên soạn lịch pháp, thiên văn của triều đình. Lịch triều hiến chương loại chí, Lê triều hội điển (biên soạn dưới thời Lê) đều cho biết: Hàng năm vào tháng trọng xuân, Tư thiên giám tiến hành tra cứu, tính toán lịch công của năm sau, biên soạn thành bản thảo lịch của năm mới.
Vào sớm ngày 24 tháng Chạp hàng năm, tại sân rồng điện Kính Thiên, triều đình đình long trọng tổ chức nghi lễ tiến ngự lịch lên hoàng đế và ban lịch cho bách quan, muôn dân.
Ông Trần Đức Cường cho biết, Lễ Tiến lịch và Ban lịch trước tiên thể hiện sự coi trọng của triều đình phong kiến đối với việc làm lịch. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm đến các hiện tượng thời tiết, khí hậu, ngày giờ tốt, vấn đề thiên thời địa lợi, để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hàng ngày của triều đình và nhân dân.
Kết thúc nghi lễ trên, thực cảnh sân khấu hóa lễ Ông Công Ông Táo và thả cá chép được tiếp nối trong chương trình. Đại diện khu du tích đi đầu đoàn rước bê chậu cá chép từ 19C Hoàng Diệu, di chuyển sang hồ sen tại 18 Hoàng Diệu, để tiếp tục nghi thức thả cá chép.
Tại Hoàng thành xưa, triều đình cho tổ chức nhiều nghi lễ mừng đón năm mới vô cùng độc đáo trong dịp này, tiêu biểu là lễ dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp. Lễ dựng cây nêu thường được tổ chức tại không gian trước Đoan môn. Theo truyền thống, đích thân nhà vua hoặc một vị quan có phẩm hàm cao được giao nhiệm vụ chủ trì nghi lễ này.
Theo quan niệm dân gian, trên ngọn cây nêu có một vòng tròn nhỏ được treo những chiếc khánh hay linh vật, để khi gió thổi va đập vào nhau leng keng trong gió. Điều này mang ý nghĩa trừ ma quỷ, mong ước cả năm an lành, mưa thuận gió hòa.
Chương trình được kết thúc bằng nghi thức đổi gác. Đây là nghi thức diễn ra hàng ngày trong cấm thành. Việc giới thiệu và tái hiện những nghi thức mang tính phi vật thể như thế này góp phần tạo nên sức sống trường tồn cho các di sản văn hóa lịch sử truyền thống, đem tới cho công chúng hôm nay những trải nghiệm độc đáo trong không gian thiêng liêng của Hoàng thành Thăng Long với hơn 1.000 năm lịch sử.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Đức Cường nhấn mạnh, việc nghiên cứu, tái hiện nghi lễ cung đình ngày Tết cổ truyền tại Hoàng thành Thăng Long cần được phát huy, để khơi gợi những mạch nguồn văn hóa truyền thống, gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và đương đại, từ đó khích lệ sự quan tâm của du khách và các bạn trẻ đối với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tham dự buổi lễ này lần thứ hai và đồng thời cũng là dịp tròn một năm trong nhiệm kỳ Trưởng đại diện của UNESCO tại Việt Nam - ông Jonathan Baker cảm thấy may mắn khi được làm việc tại một đất nước luôn đề cao việc gìn giữ và phát huy di sản. Đồng thời, ông rất trân trọng, ghi nhận tất cả những nỗ lực và sáng kiến đầy ý nghĩa của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khoi-day-suc-song-tet-cung-dinh-thang-long-46921.html