Khơi dậy tiềm năng du lịch cộng đồng

ĐBP - Cuộc sống càng đủ đầy, hiện đại, dường như càng khiến con người mong muốn trở về với những gì đơn sơ, giản dị, gần gũi thiên nhiên. Vì vậy, du lịch cộng đồng chính là cầu nối hiện thực hóa sở thích của người lữ hành nơi miền đất lạ. Ở Điện Biên, cùng với hệ thống quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là nơi sinh sống tập trung 19 dân tộc thiểu số anh em, cảnh quan thiên nhiên đẹp kết hợp với những giá trị văn hóa độc đáo của người dân bản địa là địa chỉ không thể bỏ qua trong hành trình khám phá và trải nghiệm của du khách.

Điểm du lịch cộng đồng bản Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, trải nghiệm của du khách.

Khai thác tiềm năng

Nằm ở ngoại vi trung tâm TP. Điện Biên Phủ, bản văn hóa Phiêng Lơi (xã Thanh Minh) là nơi quần tụ của 68 hộ với gần 290 nhân khẩu, sinh sống lâu đời bằng nghề nông nghiệp, đan lát thủ công. Theo cách lý giải của người dân địa phương, “Phiêng” nghĩa là vị trí bằng phẳng, còn “Lơi” là cách nói lệch đi từ lâu đời. Và tên bản Phiêng Lơi không biết từ khi nào đã chứa đựng mong ước cuộc sống ổn định dài lâu của người dân nơi đây. Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp, các nét văn hóa truyền thống được gìn giữ gần như nguyên vẹn, những năm gần đây, bản đã tận dụng những nét đặc trưng ấy phát triển du lịch cộng đồng.

Đến Phiêng Lơi, du khách có dịp thưởng thức văn hóa ẩm thực hấp dẫn của đồng bào Thái. Sau bữa tối, du khách hòa mình cùng bà con dân bản trong không gian văn hóa, văn nghệ đậm chất dân tộc Thái, với những điệu xòe, nhảy sạp…

Anh Lường Văn Muôn, Trưởng bản Phiêng Lơi chia sẻ: Trước đây cấp ủy, chính quyền xã Thanh Minh nói chung và bản Phiêng Lơi nói riêng đã rất trăn trở với việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Song với mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, thì “bài toán” bảo tồn văn hóa đã thực sự có được lời giải hợp lý. Tận dụng lợi thế có dòng suối Nậm Rốm chảy qua, chúng tôi huy động người dân dựng cầu tre, cọn nước, lán ven suối… để du khách có thể lưu lại những bức ảnh đẹp. Từ đó, biến mảnh đất thuần nông trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến thưởng ngoạn, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán. Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại Phiêng Lơi ngày càng tăng với những phản hồi rất tích cực.

Cách TP. Điện Biên Phủ hơn 30km, Che Căn được biết tới là bản bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái cổ, là địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn đối với du khách khi đến với xã Mường Phăng. Ấn tượng khi đến Che Căn là những con đường bê tông hóa sạch sẽ, thoáng đãng, hai bên đường là các loại hoa đủ sắc màu, xen lẫn những chiếc giỏ đan thân thiện với môi trường mang dòng chữ “Cho tôi xin rác!”… Trong bản, những phụ nữ mang trang phục dân tộc Thái với nụ cười hân hoan hiếu khách chào đón. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của bà con dân tộc Thái đang thêu thùa, may vá bên hiên nhà, nấu những món ăn dân tộc truyền thống.

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Lò Văn Hợp, ngày 29/6/2006, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Che Căn là bản truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người và là 1 trong 20 bản văn hóa truyền thống của cả nước được đầu tư bảo tồn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Che Căn phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, lúc đầu người dân không mặn mà với việc làm du lịch vì chưa am hiểu. Bắt đầu từ con số 0, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề, kết hợp tuyên truyền, tập huấn cho bà con phát triển mô hình du lịch homestay. Lấy bản Che Căn làm thí điểm, xã xây dựng kế hoạch liên kết các hộ dân tập trung chăn nuôi đáp ứng nguồn thực phẩm sạch, cải tạo vườn tược, tạo cảnh quan văn hóa. Mới đầu khó khăn nhưng từ khi có khách quốc tế, khách trong nước về bản, bà con phấn khởi hẳn.

Du khách hòa mình trong không gian văn hóa, văn nghệ đậm chất đồng bào dân tộc Thái ở bản Phiêng Lơi.

Hiện nay ở bản Che Căn đã hình thành 2 homestay là homestay Phương Đức và homestay Mường Phăng, đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, trải nghiệm của du khách. Ở Che Căn, ngoài khám phá, tìm hiểu những kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ truyền thống… dịch vụ đạp xe khám phá khắp bản, thu hái nông sản theo mùa… cũng là những trải nghiệm hấp dẫn và được nhiều du khách yêu thích, lựa chọn khi đến đây.

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến năm 2022, toàn tỉnh có 12 bản văn hóa du lịch, 6 homestay, 12 điểm tham quan vui chơi, giải trí. Trong đó, nổi bật một số địa điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, như: Bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ); bản Che Căn (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ), bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên), bản Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ)… Đây là mô hình du lịch cộng đồng giàu bản sắc, mà ở đó, mỗi người dân làm du lịch đều có vai trò như một hướng dẫn viên, một “đại sứ” du lịch. Việc người dân cùng làm du lịch, cùng bảo tồn văn hóa, khai thác dịch vụ và giới thiệu các địa điểm giúp du khách thoải mái hơn, được chia sẻ, trải nghiệm một cách đầy đủ hơn.

Động lực phát triển

Để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân trong thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, từ năm 2004, tỉnh đã bắt đầu xây dựng mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch tại 8 bản thuộc huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, bao gồm các bản văn hóa: Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, Pe Luông, Phiêng Lơi, Him Lam 2, Mển; sau đó tiếp tục phát triển thêm 3 bản văn hóa: Hoong Lếch Cang, Che Căn, Noong Chứn. Tỉnh đã hỗ trợ các bản xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, nhà vệ sinh đạt chuẩn, sân bãi, điện nước, đường đi, mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động cộng đồng, phục vụ khách du lịch… Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình hoạt động homestay đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, trải nghiệm của du khách.

Ông Phạm Văn Thăng, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Để kích cầu du lịch, trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, tổ chức đón tiếp các đoàn famtrip khảo sát, xây dựng sản phẩm, điểm đến du lịch tại tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chuẩn bị công tác thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) trong năm 2023; tổ chức các lớp tập huấn phát triển du lịch nông thôn cho bản Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ), nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng về phát triển du lịch nông thôn cho người dân, phục vụ hoạt động đón tiếp khách tại địa phương. Bên cạnh đó, Sở đang trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Du lịch cộng đồng thực sự đang thổi làn gió mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên mảnh đất Điện Biên có nhiều tiềm năng về du lịch. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu, để du lịch cộng đồng nói riêng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian tới rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương; sức mạnh nội tại phía người dân để tạo được nhiều hơn nữa những điểm nhấn mới, những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, giúp giữ chân du khách ở lại lâu hơn, trở lại nhiều lần hơn.

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/du-lich/202730/khoi-day-tiem-nang-du-lich-cong-dong