Khởi động cơ chế hợp tác thương mại và công nghiệp Việt Nam - Ma-rốc

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Ma-rốc Ryad Mezzour, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Công Thương sang làm việc tại Ma-rốc và tham dự Kỳ họp lần thứ nhất Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp Việt Nam – Ma-rốc tổ chức ngày 02/6/2022 tại Rabat, Ma-rốc.

Kỳ họp lần thứ nhất Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp Việt Nam – Ma-rốc

Kỳ họp lần thứ nhất Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp Việt Nam – Ma-rốc

Cùng tham dự Kỳ họp, về phía Việt Nam có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ma-rốc Đặng Thị Thu Hà, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi) và Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Về phía Ma-rốc có đại diện Lãnh đạo Bộ Công Thương Ma-rốc và một số đơn vị thuộc Bộ: Ông MOUCHARRAF Taoufiq, Tổng Thư ký Bộ Công Thương; Ông RAHAL Abdelouahed, Tổng cục trưởng Tổng cục Thương mại; Bà EL ALAOUI Lalla Kenza, Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp; Ông BENJELLOUN Mohammed, Vụ trưởng Vụ Quan hệ thương mại quốc tế và các đại diện của Bộ Đầu tư và Đánh giá Chính sách công Ma-rốc, Cơ quan Phát triển đầu tư và xuất khẩu Ma-rốc (AMDIE).

Nhiều tiềm năng, dư địa để thúc đẩy hợp tác

Tại Kỳ họp, hai Bên đã kiểm điểm lại tình hình và đánh giá những kết quả đạt được trong hợp tác thương mại và công nghiệp giữa hai nước kể từ năm 2019. Trong năm 2021, tổng trao đổi thương mại song phương đã đạt khoảng 218 triệu USD, tăng 20,8% so với năm 2020; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 194 triệu USD, tăng 20,9% và nhập khẩu đạt khoảng 24 triệu USD, tăng 20%.

Hai Bên nhận định trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều dư địa để cải thiện hơn nữa. Hai Bên xác định một số lĩnh vực hợp tác chiến lược, bao gồm thương mại nông sản, năng lượng, dệt may, hóa chất, sản xuất phân bón, khai thác và chế biến khoáng sản.

Về trao đổi thương mại, phía Ma-rốc xác định các mặt hàng nhiều tiềm năng gồm: phân bón, phốt phát và các sản phẩm từ phốt phát, hóa chất, máy móc, dụng cụ, thiết bị điện và linh kiện, gạch men, các loại bột mì, bột và bột nén dạng viên, cá, động vật giáp xác và thân mềm, cũng như các thực phẩm chế biến gồm quả ô-liu và dầu ô-liu; phía Việt Nam xác định các mặt hàng nhiều tiềm năng gồm cà phê, hạt tiêu, hàng hải sản, hàng dệt may, giày dép, sợi, máy móc và thiết bị điện, sản phẩm cơ khí và thực phẩm chế biến, sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép, gạch men... Hai Bên khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư.

Ông MOUCHARRAF Taoufiq, Tổng thư ký Bộ Công Thương Ma-rốc chào mừng Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Đoàn công tác Việt Nam, ghi nhận sự tăng trưởng về trao đổi thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây, mặc dù cán cân thương mại đang nghiêng về phía Việt Nam, xuất khẩu của Ma-rốc sang Việt Nam còn hạn chế.

Ông MOUCHARRAF Taoufiq, Tổng thư ký Bộ Công Thương Ma-rốc (giữa) đề nghị hai Bên cùng phối hợp chặt chẽ để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp

Ông MOUCHARRAF Taoufiq, Tổng thư ký Bộ Công Thương Ma-rốc (giữa) đề nghị hai Bên cùng phối hợp chặt chẽ để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp

Ông MOUCHARRAF Taoufiq cho biết, phía Ma-rốc coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, đề nghị hai Bên cùng phối hợp chặt chẽ để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại, hợp tác công nghiệp, xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài trên cơ sở hai Bên cùng có lợi. Tăng cường hợp tác Ma-rốc – Việt Nam cũng có thể coi là một phần của “Hợp tác Nam-Nam” nhằm ứng phó với những thách thức về kinh tế, chính trị trên môi trường toàn cầu, đặc biệt là tình hình căng thẳng giữa các nước lớn hiện nay, giúp hai nền kinh tế Việt Nam và Ma-rốc tăng cường sự gắn kết, giảm phụ thuộc vào các đối tác lớn.

Tổng thư ký MOUCHARRAF Taoufiq cho biết, tuy chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ có sự quan tâm, định hướng của Quốc vương Ma-rốc và trên cơ sở các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cùng nền công nghiệp phát triển, Ma-rốc đã và đang từng bước phục hồi kinh tế, vượt qua khó khăn và nắm bắt nhiều cơ hội đang đặt ra hiện nay.

Với cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, kỹ thuật số không ngừng phát triển (đặc biệt là tại thành phố cảng Tanger ở phía Bắc), Ma-rốc định hướng trở thành trung tâm logistics quan trọng và là cửa ngõ phía Bắc của châu Phi. Để tận dụng những lợi thế này, Chính phủ Ma-rốc khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài (trong đó có doanh nghiệp Việt Nam) quan tâm, đầu tư vào các lĩnh vực mà Ma-rốc có thế mạnh như hóa chất và hóa mỹ phẩm, sản xuất phân bón, dệt may, da giày, năng lượng, công nghiệp ô tô, điện tử…

Thay mặt Đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cảm ơn Tổng Thư ký MOUCHARRAF Taoufiq và Bộ Công Thương Ma-rốc đã dành sự tiếp đón trọng thị, chu đáo cho đoàn Việt Nam sang tham dự Kỳ họp. Thứ trưởng nhấn mạnh Kỳ họp lần thứ nhất được tổ chức vào thời điểm có nhiều ý nghĩa. Cả hai nước về cơ bản đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Các hoạt động kinh tế, thương mại đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Covid-19. Hai nước cũng vừa kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2021 (27/3/1961 – 27/3/2021), hiện đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác nhằm góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Cơ hội để hai nước thúc đẩy hợp tác không chỉ là tăng cường trao đổi thương mại mà còn hiện hữu trong lĩnh vực công nghiệp, đầu tư

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Cơ hội để hai nước thúc đẩy hợp tác không chỉ là tăng cường trao đổi thương mại mà còn hiện hữu trong lĩnh vực công nghiệp, đầu tư

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao những tiềm năng, thế mạnh của Ma-rốc, cho rằng hai Bên cần tiếp tục tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại song phương và thúc đẩy hợp tác công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực hóa chất, phân bón.

"Cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa hai nước hoàn toàn có tính bổ sung cho nhau. Phía Việt Nam mong muốn nhập khẩu nhiều hơn từ Ma-rốc các mặt hàng mà Việt Nam đang có nhu cầu như phốt phát, phân bón, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dầu thực vật… Trong thời gian tới, phía Việt Nam có thể tổ chức một đoàn doanh nghiệp đa lĩnh vực sang Ma-rốc để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư", Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thông tin về một số thành tựu kinh tế, thương mại nổi bật, tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, việc ký kết, tham gia các hiệp định FTA và những lợi thế về tiếp cận thị trường của Việt Nam với các nền kinh tế lớn. Thứ trưởng cho rằng Ma-rốc thời gian qua đã tập trung nhiều vào các đối tác châu Âu, và giờ là thời điểm thích hợp để mở rộng và thúc đẩy hợp tác với các đối tác châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, cơ hội để hai nước thúc đẩy hợp tác không chỉ là tăng cường trao đổi thương mại mà còn hiện hữu trong lĩnh vực công nghiệp, đầu tư. Việt Nam có ngành nông nghiệp phát triển, nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đứng trong tốp đầu của thế giới, có nhu cầu lớn đối với các loại phân bón và nguyên liệu như DAP, phốt phát, ka-li… Là nước xuất khẩu phốt phát hàng đầu thế giới, Ma-rốc có thể trở thành một nguồn cung ổn định, lâu dài cho thị trường Việt Nam.

Hai Bên đã thảo luận và thống nhất một số định hướng, giải pháp, kế hoạch hoạt động cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn hậu Covid-19, khuyến khích khai thác các cơ hội hợp tác cả về thương mại và đầu tư trong các ngành sản xuất hóa chất, khai khoáng và sản xuất phân bón, công nghiệp điện tử và cơ khí, ô tô, dệt may, giày dép... Hai Bên nhất trí sẽ phối hợp để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hợp tác của các doanh nghiệp.

Nghiên cứu, hợp tác phát triển một số chuỗi giá trị công nghiệp chủ lực

Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Ma-rốc, ngày 02/6/2022, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã đến chào và tiếp kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Ma-rốc Ryad Mezzour. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cảm ơn Bộ trưởng Ryad Mezzour đã có thư mời và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương Ma-rốc tích cực chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ nhất Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tiếp kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Ma-rốc

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tiếp kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Ma-rốc

Tại cuộc gặp, hai Bên đã chia sẻ về tình hình phòng chống dịch Covid-19, việc mở cửa trở lại nền kinh tế và nhu cầu khôi phục, phát triển các hoạt động kinh tế, thương mại của mỗi nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Ma-rốc rất ấn tượng và đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, coi Việt Nam là một hình mẫu về xây dựng hệ sinh thái phát triển công nghiệp. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn cùng hợp tác với Việt Nam để phát triển một số chuỗi giá trị trong lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày… phát triển một số sản phẩm chủ lực có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có thương hiệu riêng để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU thay vì chủ yếu làm gia công cho nước ngoài như hiện nay. Bộ trưởng Ryad Mezzour đề nghị hai Bên nghiên cứu các cơ hội hợp tác đầu tư tại Ma-rốc và tại Việt Nam để tận dụng những lợi thế của mỗi nước.

Hai Bên cũng đã trao đổi về một số thách thức, cơ hội liên quan đến diễn biến, tình hình khu vực và thế giới hiện nay, vấn đề cải cách WTO, chiến tranh thương mại, căng thẳng, đối đầu giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, hai Bên thống nhất cần tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Ma-rốc để bổ trợ cho nhau cùng phát triển.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Bộ trưởng Ryad Mezzour tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương Ma-rốc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các hoạt động xuất nhập khẩu với đối tác Ma-rốc, đặc biệt trong lĩnh vực hóa chất, phân bón.

Tạo cơ hội, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Ma-rốc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm việc với Phó Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ vùng Marrakech-Safi, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ vùng Casablanca-Settat, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ vùng Rabat-Salé-Kénitra.

Tại các buổi làm việc, hai Bên đã trao đổi thông tin về tình hình kinh tế, thương mại, đầu tư của mỗi Bên, tiềm năng phát triển và các lĩnh vực thế mạnh của mỗi Bên, nhu cầu hợp tác xuất nhập khẩu, đầu tư với Việt Nam, các cơ hội hợp tác đang đặt ra. Hai Bên đã chỉ định đầu mối để tiếp tục giữ liên hệ, trao đổi thông tin, cũng như phối hợp trong các hoạt động hợp tác sắp tới.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao tiềm năng, lợi thế và đóng góp quan trọng của mỗi vùng kinh tế đối với Ma-rốc, nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác Ma-rốc, nhất là về hóa chất, phân bón.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị hai Bên cần tích cực trao đổi thông tin về thị trường, các quy định xuất nhập khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương; mời các Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tham dự một số sự kiện thương mại lớn tại Việt Nam như Hội chợ thương mại quốc tế VietnamExpo, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Vietnam Foodexpo… và đề nghị các Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ đẩy mạnh kết nối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhằm phát huy vai trò cầu nối cho doanh nghiệp hai Bên.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Đoàn công tác làm việc với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ vùng Marrakech-Safi

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Đoàn công tác làm việc với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ vùng Marrakech-Safi

Tại buổi làm việc với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ vùng Casablanca-Settat, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã trực tiếp trao đổi với phía Ma-rốc về nhu cầu hợp tác xuất nhập khẩu, chuyển giao công nghệ giữa tập đoàn, các đơn vị thuộc tập đoàn với các doanh nghiệp đối tác phía Ma-rốc.

Cụ thể, phía Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với phân bón các loại, trong đó có phân bón DAP, phốt phát, ka-li, quặng a-pa-tít, thuốc tuyển (phụ gia) để tuyển quặng… từ Ma-rốc. Ở chiều ngược lại, phía Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm săm lốp, ắc quy ô tô, sản phẩm nhựa sang Ma-rốc.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ vùng Rabat-Salé-Kénitra, phía Ma-rốc đề nghị hàng năm hai Bên cần tổ chức diễn đàn doanh nghiệp để trao đổi thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối.

Nhân dịp chuyến công tác, làm việc tại Ma-rốc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đã dành thời gian tiếp, làm việc với Lãnh đạo Công ty Laprophan (doanh nghiệp có hơn 70 năm kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh và phân phối dược phẩm) và Công ty OCP (là một trong những doanh nghiệp lớn mạnh nhất Ma-rốc với hơn 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phốt phát và hóa chất, hiện là một trong những nhà xuất khẩu phốt phát, axit photphoric và phân bón phốt phát lớn nhất trên thế giới, quy mô hoạt động khắp 5 châu lục).

Lãnh đạo chủ chốt của hai tập đoàn đã trình bày, giới thiệu hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn, nhu cầu mở rộng hoạt động ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Laprophan và OCP đều rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Riêng OCP đã có các đối tác tại Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm việc với Công ty OCP

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm việc với Công ty OCP

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã giới thiệu các cơ hội hợp tác kinh doanh với Việt Nam, đề nghị hai Tập đoàn cân nhắc các cơ hội lớn đang đặt ra cả về hợp tác thương mại và đầu tư, đồng thời cần chủ động, tích cực hơn trong việc kết nối, giao dịch với các đối tác Việt Nam. Trong lĩnh vực dược, Việt Nam có thể cung ứng một số loại dược liệu, biệt dược, trang thiết bị, vật tư y tế cho thị trường Ma-rốc.

Về mặt hàng phân bón, Thứ trưởng cho biết Việt Nam có ngành nông nghiệp phát triển hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, có nhu cầu cao đối với phân bón các loại, trong đó có DAP, lân… Hợp tác với Việt Nam, OCP không chỉ có cơ hội cung ứng phân bón cho thị trường Việt Nam mà còn có cơ hội mở rộng sang các thị trường láng giềng mà Việt Nam có kết nối tốt như Lào, Cam-pu-chia, vùng Đông Bắc Thái Lan.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/khoi-dong-co-che-hop-tac-thuong-mai-va-cong-nghiep-viet-nam-ma-roc-89219.htm