Khởi nghĩa Bà Triệu và dấu ấn trong lịch sử dân tộc (Bài 2): Đóng góp của Nhân dân Thanh Hóa trong cuộc khởi nghĩa Bà Triệu
Lịch sử còn ghi lại, cách đây 1.775 năm (vào năm 248) tại vùng đất Cửu Chân, người con gái đôi mươi Triệu Thị Trinh cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã vùng dậy đấu tranh chống lại ách nô lệ của nhà Ngô. Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu tuy không đập tan ách thống trị của quân Ngô, song đã khẳng định ý chí kiên cường, tinh thần, khí phách anh hùng của nữ tướng Triệu Thị Trinh nói riêng, dân tộc ta nói chung. Qua đó, khẳng định tinh thần đoàn kết, đồng lòng chống giặc ngoại xâm của Nhân dân Cửu Chân.
Khu mộ ba ông tướng họ Lý nằm dưới chân núi Tùng (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc). Ảnh: Thùy Linh
Những đóng góp về sức người, sức của, sự đồng lòng của Nhân dân vùng đất Cửu Chân trong cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, được nhắc đến trong một số tài liệu lịch sử hay địa chí Thanh Hóa và địa chí các huyện Triệu Sơn, Yên Định, Thọ Xuân... Các tài liệu tuy còn đơn điệu song đều cho thấy sự đóng góp của Nhân dân được thể hiện ngay từ những ngày đầu hai anh em họ Triệu chiêu mộ quân sĩ đến những năm tháng xây dựng căn cứ địa, phát triển lực lượng, dựng cờ khởi nghĩa và khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Qua đó cho thấy, tinh thần đoàn kết của Nhân dân đã trở thành sức mạnh bền bỉ, làm điểm tựa cho cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.
Từ những ngày đầu xây dựng lực lượng ở vùng đất Quân Yên (Yên Định), nghĩa quân của Bà Triệu đã nhận được sự đồng lòng và giúp đỡ nhiệt tình về nhân lực, lương thảo của Nhân dân. Tương truyền tại đất Quân Yên có “đá biết nói”. Cứ đêm khuya, trong dãy núi có tiếng nói phát ra: “Có bà nữ tướng/ Vâng lệnh trời ra/ Trị voi một ngà/ Dựng cờ mở nước/ Lệnh truyền sau trước/ Theo gót Bà Vương”. Tin theo lời trời đất, bà con các nơi đã tìm đến Bà Triệu và tham gia cuộc khởi nghĩa ngày càng đông. Thanh niên trai tráng trong vùng ai cũng tự nguyện tham gia nghĩa quân. Để che mắt kẻ thù, ban ngày Triệu Thị Trinh và trai tráng địa phương lao động, săn bắn, đêm đến bí mật vào rừng luyện tập võ nghệ, dàn binh bố trận. Còn phụ nữ và người già thì cung cấp, tích trữ lương thảo cho nghĩa quân.
Sau một thời gian bí mật luyện tập, xây dựng lực lượng, chuẩn bị lương thảo, Triệu Thị Trinh cùng nghĩa quân đã chuyển vào núi Nưa (Triệu Sơn) - một vùng đất có tính chất chiến lược quân sự để xây dựng căn cứ địa và nghĩa quân hùng mạnh hơn. Nơi đây, núi non hiểm trở. Chân núi được dãy Lãn Giang ôm trọn. Bao quanh là đồng bằng châu thổ, nơi cư tụ của những xóm làng người Việt từ lâu đời. Nhờ vậy mà dù luyện tập, dàn binh bố trận, dựng doanh trại tại nơi núi non hiểm trở, nghĩa quân vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ của Nhân dân, có liên kết chặt chẽ với Nhân dân trong vùng. Tại đây nghĩa quân của Bà Triệu đã đánh bại một vài căn cứ nhỏ của quân Ngô, Nhân dân các vùng càng vui mừng, tích cực tham gia, ủng hộ khởi nghĩa, lực lượng quân số tăng nhanh và ngày càng hùng hậu.
Tương truyền, trước thanh thế của nghĩa quân, tại vùng đất Bồ Điền (làng Phú Điền), ba anh em họ Lý đều muốn tham gia nghĩa quân. Sau khi Triệu Thị Trinh ban bố hịch khởi nghĩa, chiêu tập binh sĩ và các tướng tài, ba anh em họ Lý liền nói với song thân: “Nay chúng con làm người là nhờ vào sự nghiệp tạo dựng công danh của các bậc thánh hiền tài đời xưa. Nếu chúng con không làm được như thế, thì thà ra chiến trường chiến đấu, khi chết lấy da ngựa bọc thây mà trở về”. Sau đó, ba ông chuẩn bị hành lý, đem quân sĩ gia nhập nghĩa quân. Ba anh em họ Lý đã trở thành ba vị tướng đắc lực, đồng hành cùng Bà Triệu trong các cuộc chiến đánh giặc Ngô.
Khi lực lượng đã tương đối mạnh, Triệu Thị Trinh cùng nghĩa quân đã tràn xuống tấn công Thành Tư Phố - nơi ở của chính quyền đô hộ quận Cửu Chân. Tại cuộc đối đầu này nghĩa quân của Bà Triệu đã giành thắng lợi. Thanh thế của Bà Triệu và nghĩa quân đã lan khắp Cửu Chân. Cảm phục tinh thần, khí phách anh hùng của Bà Triệu, Nhân dân Cửu Chân đã tham gia cuộc khởi nghĩa ngày càng đông, tạo thành một phong trào đấu tranh của Nhân dân phát triển mạnh mẽ, có tiếng tăm trong vùng. Phụ nữ khắp vùng thúc giục chồng con ra đầu quân theo Bà đánh đuổi giặc Ngô. Nhân dân khắp nơi quyết tâm tìm đến Bà Triệu xin gia nhập nghĩa quân, góp sức người, của cải xây dựng đồn lũy, quân doanh. Vì vậy mà dân gian đã truyền nhau câu ca: “Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng/ Túi gấm cho lẫn túi hồng/ Têm trầu mũi mác cho chồng trẩy quân”.
Sau khi đánh bại Thành Tư Phố, Bà Triệu cùng nghĩa quân đã vượt sông Mã về vùng đất Bồ Điền - nơi có vị trí quân sự hiểm yếu, xây dựng căn cứ địa. Nhân dân làng Bồ Điền ai cũng hân hoan, nhà nào cũng có người gia nhập nghĩa quân. Mọi người cần cù sản xuất cung cấp lương thảo, vật dụng cho quân sĩ. Người thì lo bếp núc hậu cần, người thì chăn nuôi ngựa, voi; cất giấu của cải giúp nghĩa quân. Với sự hậu thuẫn vững chắc từ Nhân dân, nghĩa quân ngày càng lớn mạnh. Tại đây nghĩa quân đã có hàng chục trận đánh với quân Ngô, khiến chúng khốn đốn. Thấy Bà Triệu là chúng khiếp vía và thốt lên: “Hoành qua đường hổ dị/ Đối diện Bà Vương nan” (tức là “Múa giáo đánh cọp thì dễ/ Giáp mặt Vua Bà thật khó”). Tuy nhiên, sau một thời gian đối đầu ngang sức, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã bị đàn áp bởi mưu hèn của nhà Ngô. Bà Triệu tuẫn tiết trên núi Tùng.
Có thể nói, từ xa xưa tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt đã trở thành thành lũy vững chắc để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Do đó, sự đóng góp của Nhân dân Thanh Hóa cho cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã minh chứng cho sự đoàn kết, tinh thần dân tộc Việt. Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng giúp đỡ của Nhân dân mà lực lượng nghĩa quân ngày càng hùng hậu, quân lương ngày càng dồi dào, căn cứ địa ngày càng vững chắc tạo nên những chiến công chấn động khắp cả nước. Có lẽ không chỉ do ngưỡng mộ đức, tài, khí phách anh hùng của chủ tướng mà lúc bấy giờ Nhân dân phải oằn mình chịu cảnh lầm than, gánh chịu những bất công, sự đàn áp, bóc lột tàn bạo, tham lam của bọn phong kiến phương Bắc, việc đứng lên khởi nghĩa đòi lại tự do là con đường duy nhất.
1.775 năm đã qua đi và cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã đi vào sử sách, nhưng lòng yêu nước, ý chí kiên cường cùng tình đoàn kết dân tộc vẫn luôn hiện hữu. Tình đoàn kết ấy vẫn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ trong cộng đồng, dân tộc để bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Thùy Linh
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu - kỷ yếu của hội nghị nghiên cứu lần thứ nhất; Thần nữ danh tiếng trong văn hóa Việt Nam, Địa chí các huyện Triệu Sơn, Yên Định).