'Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc': Bài cuối - Đóng góp của Nhân dân Thanh Hóa trong khởi nghĩa Lam Sơn
Từ núi rừng Lam Sơn, cách đây hơn 600 năm, mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Suốt 10 năm ròng rã chiến đấu gian khổ, khởi nghĩa Lam Sơn đã thắng lợi hoàn toàn. Trong thắng lợi ấy, có vai trò và đóng góp quan trọng của Nhân dân Thanh Hóa từ buổi đầu khởi nghĩa.
Sau khi cuộc khởi nghĩa của hai tôn thất nhà Trần là Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng thất bại hoàn toàn vào năm 1413, sứ mệnh lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc được trao về tay Lê Lợi và những người đồng chí đồng lòng cùng “nằm gai nếm mật” với ông. Vốn là người hiểu rất rõ địa lợi, nhân hòa của vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa, Lê Lợi đã xây dựng và đặt nền móng vững chắc cho căn cứ địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Đó là vùng núi Lam (tức núi Cham) trong không gian địa lý hành chính hương Lam Sơn là nơi khởi phát. Để rồi từ đó, cả trước, trong và sau khởi nghĩa, vùng đất Lam Sơn đã trở thành “đất căn bản”.
Xứ Thanh ghi dấu ấn đậm nét trong khởi nghĩa Lam Sơn, bởi đây không chỉ là căn cứ vững chắc của cuộc khởi nghĩa, mà còn là nơi “góp” cho cuộc khởi nghĩa nhiều hào kiệt, mãnh tướng, khai quốc công thần xuất thân từ “chốn hoang dã”. Trong đó, đại diện xuất sắc và vĩ đại hơn cả là anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi - chủ soái tối cao và là linh hồn cuộc khởi nghĩa. Ông đã chối bỏ mọi quyền riêng tư để mưu đồ việc lớn “chí phục thù, thức ngủ chẳng quên” (Đại Cáo bình ngô), “trong rèn chiến cụ, ngoài giả hòa thân” (Phú núi Chí Linh). Tư tưởng của ông được bia Vĩnh Lăng đặt tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, ghi lại: “... tuy gặp buổi loạn to mà chí càng thêm vững. Giấu mình ở núi Lam Sơn, làm nghề cày cấy. Vì căm giận bọn cường tặc tàn ngược, nên càng chuyên tâm nghiên cứu sách thao lược và dốc hết của nhà để hậu đãi tân khách”.
Năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa kéo dài 10 năm (1418-1427) thì có tới hơn 6 năm, vùng rừng núi Thanh Hóa được chọn làm căn cứ địa. Bởi lực lượng yếu, mỏng nên giai đoạn đầu khởi nghĩa cũng là “thời kỳ dài và gian khổ nhất”, khi đó “nghĩa binh mới dấy”, mà “thế giặc đương hăng”, có lúc rơi vào tình thế phải “đình chiến hai năm để củng cố lực lượng”, song với nghị lực phi thường, lại được Nhân dân đùm bọc, chở che, giúp đỡ, nên nghĩa quân đã vượt qua bao khó khăn nguy hiểm, dần khôi phục và phát triển được phong trào.
Theo sách “Lam Sơn thực lục”, trong buổi đầu khởi sự, nghĩa quân Lam Sơn chỉ có 35 võ tướng, 200 quân thiết đột, 200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, 14 con voi... tất cả không quá 2.000 người. Trong khi đó, quân Minh có hơn 4,5 vạn người và hàng trăm voi ngựa. Vậy, làm thế nào nghĩa quân Lam Sơn có thể từng bước vượt qua sự gian khó này? Câu trả lời đã được Nguyễn Trãi đúc kết trong bài cáo thắng trận: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, biết Lê Lợi là người tài năng, đức độ, nhiều người đã tìm đến Lam Sơn xin được nương thân, làm gia nô cho Hào trưởng Lê Lợi và sau này nhiều người có mặt trong Hội thề Lũng Nhai, trở thành những tướng lĩnh tài giỏi, trung kiên, đảm đương và giữ vị trí quan trọng trong cuộc khởi nghĩa, nghĩa sĩ tin cậy của nghĩa quân Lam Sơn. Hội thề Lũng Nhai (1416) gồm Lê Lợi và 18 người thân tín thì đa phần là người Thanh Hóa, như Lê Lai, Nguyễn Thận, Lê Văn An, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Lý, Trương Chiến, Đinh Lan...
Thành phần tham gia khởi nghĩa là người Thanh Hóa cũng rất đa dạng, từ miền đồng bằng như: Lê Tông Kiều, Võ Uy, Hà Mộng, Lê Khương; cho đến người dân các dân tộc thiểu số như: Lê Hiểm, Lê Hiêu, Lê Sao, Lê Yết, Lê Xa, Lê Lôi, Lê Cố... Cùng với đó, phụ nữ Thanh Hóa cũng có nhiều đóng góp cho cuộc khởi nghĩa như cung cấp lương thực, xây dựng căn cứ, tham gia chiến đấu, dũng cảm quên mình vì nghĩa lớn như bà Phạm Thị Ngọc Trần (vợ Bình Định vương Lê Lợi) - người đã có công trong việc quản lý trang trại, lương thực ở Lam Sơn, chỉ huy đội nữ binh; Hồng Nương công chúa là con gái của Lê Lợi cũng làm nữ tướng tham gia đánh giặc; Nguyễn Thị Bành (vợ Nguyễn Chích) là một nữ tướng tài ba chỉ huy nhiều trận đánh... Tất cả đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để hình thành nên cuộc khởi nghĩa tạo điều kiện phát triển về sau này.
Đóng góp của Nhân dân Thanh Hóa được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là “nổi bật và toàn diện nhất”. Trong bài viết “Lam Sơn, căn cứ hậu cần đầu tiên của kháng chiến chống Minh”, các tác giả Đinh Xuân Lâm - Trần Quang Vinh đã nhận định: “Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Lợi đặc biệt chú trọng đến việc huy động tài vật, lương thực trong Nhân dân, nhất là trong các dân tộc thiểu số vùng núi phía Tây Thanh Hóa, liền kề sau lưng căn cứ Lam Sơn mà nghĩa quân vốn có mối quan hệ rất chặt chẽ”. Còn các tác giả Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn trong cuốn “Khởi nghĩa Lam Sơn 1418-1427”, đã chỉ rõ: “Hầu như không có làng nào thuộc hai huyện Lương Giang và Cổ Lôi dọc theo sông Chu không có người gia nhập nghĩa quân vào những năm tháng chuẩn bị này”.
Giữa vô số cuộc vây khốn, truy quét gắt gao của quân thù, Bình Định vương cùng nghĩa quân đã dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở dọc từ Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành... để vừa công, vừa thủ duy trì chiến đấu. Có những thời điểm nghĩa quân bị bao vây nguy khốn, phải 3 lần rút lên núi Chí Linh và ròng rã hàng tháng không có lương ăn. Sự khốn đốn ở buổi đầu ấy được tác giả của “Bình Ngô đại cáo” ghi lại: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một đội”. Giữa tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, sự đùm bọc, ủng hộ hết lòng của đồng bào các dân tộc vùng rừng núi Chí Linh đã trở thành chỗ dựa để Lê Lợi và nghĩa quân “cùng nhau ngày đêm trải lòng trải dạ, vỗ về quân lính, sắp xếp đội ngũ, chỉnh đốn khí giới... nguyện tử chiến, thề không đội trời chung với giặc”.
Từ căn cứ địa Thanh Hóa, hàng chục trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra khắp Mường Yên, Lạc Thủy, Mường Một, Mường Khao, Mường Nanh, bến Bổng, Mường Thôi, Bồ Mộng, Thi Lang, Quan Du, Kình Lộng, Úng Ải... Thắng lợi trong nhiều trận đánh quan trọng đã đưa khởi nghĩa Lam Sơn trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh chống ách đô hộ nhà Minh hồi đầu thế kỷ XV. Quá trình tôi luyện và từng bước lớn mạnh của nghĩa quân trong giai đoạn này đã tạo tiền đề để năm 1424, cuộc khởi nghĩa chuyển hướng vào đất Nghệ An. Cũng từ đây, khởi nghĩa Lam Sơn có bước ngoặt mới, với nhiều thắng lợi lớn mang tính quyết định đến cục diện cuộc chiến.
Sau 10 năm khởi nghĩa, trải qua nhiều gian truân vất vả, cuối cùng giành thắng lợi vẻ vang, mở ra một vương triều mới - nhà Lê sơ, tồn tại 360 năm trong lịch sử Việt Nam. Đây là thời kỳ trung hưng đất nước rạng rỡ và hùng cường bậc nhất của quốc gia Đại Việt thời phong kiến. Qua đó khẳng định thêm vai trò quan trọng của đất và người xứ Thanh trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước.
Hoài Anh
(Bài viết có sử dụng một số tài liệu trong Hội thảo khoa học “Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn”).