Khởi nghiệp từ nguồn vốn 120

PTĐT - Những năm qua, phong trào lập thân, lập nghiệp, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng của tuổi trẻ Đất Tổ đã được triển khai hiệu quả từ sự tiếp sức nguồn vốn đầu tư thông qua tổ chức đoàn.

Từ nguồn vốn tiếp sức của tổ chức đoàn, đoàn viên Nguyễn Thị Bích Hồng, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng đã đầu tư sản xuất hoa, cây cảnh, tạo dựng “phim trường mini Thảo Nguyên Hoa” mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ nguồn vốn tiếp sức của tổ chức đoàn, đoàn viên Nguyễn Thị Bích Hồng, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng đã đầu tư sản xuất hoa, cây cảnh, tạo dựng “phim trường mini Thảo Nguyên Hoa” mang lại hiệu quả kinh tế cao.

PTĐT - Những năm qua, phong trào lập thân, lập nghiệp, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng của tuổi trẻ Đất Tổ đã được triển khai hiệu quả từ sự tiếp sức nguồn vốn đầu tư thông qua tổ chức đoàn. Từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của T.Ư Đoàn (gọi tắt là vốn 120) đã xuất hiện ngày càng nhiều dự án kinh tế có hiệu quả, các chủ trang trại trẻ, gương thanh niên làm giàu, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo hiệu ứng tích cực và sự lan tỏa trong xã hội...

Đồng hành vượt khó
Tuổi đời còn trẻ nhưng Nguyễn Văn Hoàng ở xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê đã có cơ sở kinh doanh dịch vụ tạp hóa quy mô bề thế. Giới thiệu với chúng tôi về cơ ngơi của mình, Hoàng phấn khởi cho biết: Thời gian đầu do thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm nên việc kinh doanh gặp không ít khó khăn. Đầu năm 2018, được sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn, tôi được vay 150 triệu đồng để thực hiện Dự án “Mở rộng cửa hàng và kho chứa hàng phục vụ kinh doanh hàng tạp hóa”. Đến giờ vợ chồng tôi rất vui mừng vì giấc mơ khởi nghiệp đã trở thành hiện thực. “Siêu thị mini” của Hoàng thường xuyên duy trì gần trăm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ khách hàng…Theo anh, để có thu nhập, cuộc sống ổn định thì thanh niên phải khởi nghiệp bằng một nghề, luôn cố gắng lao động bằng đôi tay, trí tuệ và quyết tâm mới đi đến thành công. Không ít bạn trẻ khi mới bắt tay vào phát triển kinh tế đều không có vốn nên rất dễ nản lòng, buông xuôi. Do đó, nguồn vốn 120 của tổ chức đoàn dành cho thanh niên như lực đẩy giúp phát triển kinh tế. Cũng như Nguyễn Văn Hoàng, năm 2013, Nguyễn Thị Bích Hồng, khu 11, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng khởi nghiệp bằng việc trồng nhiều loại hoa cắt cành như hoa hồng, hoa cúc để bán lẻ vào các dịp lễ, Tết. Được sự ủng hộ của gia đình, năm 2016, Hồng mở rộng đầu tư trồng hoa chậu, hoa thảm trên diện tích 1.300m2 đất vườn. Mong muốn có một nơi giới thiệu, trưng bày các loại hoa một cách tự nhiên, có sức hấp dẫn người yêu hoa nhưng khó khăn lớn đối với Hồng là vốn. Năm 2017, tổ chức đoàn hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi 120, Hồng đã thực hiện Dự án “Xây dựng phim trường mini Thảo Nguyên Hoa”, đồng thời biến nơi đây làm khu vườn cây mẹ và mở rộng diện tích để sản xuất hạt giống, nhân giống ghép cành phục vụ cho nhà vườn ươm giống cây cảnh với hơn 200 giống hồng ngoại, hơn 1.000m2 các loại hoa thảm, hoa trồng chậu, vườn hoa lớn. Sau ba năm phát triển sản xuất, đến nay thu nhập từ việc bán hoa, cây cảnh và “phim trường mini” dịch vụ chụp ảnh đem lại cho gia đình từ 150-200 triệu đồng/năm và hứa hẹn trong tương lai sẽ thu được lợi ích kinh tế cao hơn nhiều.Trong phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ Đất Tổ, cùng với nhiệt huyết, quyết tâm vượt khó làm giàu là những khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, kỹ năng khởi nghiệp vì phần lớn các bạn trẻ theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp đều có nguồn vốn rất eo hẹp. Đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp, các cấp bộ đoàn đã quản lý tốt vốn vay ủy thác từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm do Trung ương Đoàn ủy quyền giúp ĐVTN dễ dàng tiếp cận và có điều kiện để phát triển kinh tế. Đặc biệt, mục đích sử dụng nguồn vốn đã được mở rộng và đa dạng hơn như: Đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mở các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, khôi phục các ngành nghề truyền thống. Nguồn vốn đó được sử dụng theo hướng tập trung cho cơ sở sản xuất vay tạo việc làm cho thanh niên, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Nhiều dự án đã phát triển ổn định theo hướng bền vững, nhiều chủ mô hình chỉ sau một, hai năm được hỗ trợ đã hoàn lại vốn, tạo điều kiện để vốn quay vòng, tiếp tục hỗ trợ các mô hình mới. Từ nguồn vốn vay, các dự án của thanh niên tiếp tục phát triển và mang lại hiệu quả, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho ĐVTN với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Thông qua tổ chức đoàn, đoàn viên Nguyễn Văn Hoàng (bên trái), xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê đã vay vốn đầu tư mở rộng cửa hàng và kho chứa hàng kinh doanh tạp hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Thông qua tổ chức đoàn, đoàn viên Nguyễn Văn Hoàng (bên trái), xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê đã vay vốn đầu tư mở rộng cửa hàng và kho chứa hàng kinh doanh tạp hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Tiếp tục đưa vốn đến với thanh niênĐến nay, tổng số nguồn vốn 120 do Đoàn thanh niên tỉnh quản lý là 3.216,2 triệu đồng với 51 dự án giải quyết việc làm cho 175 lao động thanh niên, đạt 100% so với tổng mức cho vay; trong đó cho vay cơ sở sản xuất kinh doanh 21 dự án, thu hút 105 lao động thanh niên; cho vay theo người lao động là 30 dự án giải quyết cho 70 lao động có việc làm. Cùng với việc rà soát, nắm bắt nhu cầu về vốn để có hình thức ưu tiên, hỗ trợ vay vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại trẻ, Đoàn thanh niên các cấp luôn chủ động phối hợp các ngành chức năng mở lớp chuyển giao kỹ thuật, tập huấn kiến thức về xây dựng mô hình kinh tế, hợp tác xã... để thanh niên có thêm cơ hội học hỏi những kinh nghiệm, kỹ năng trong nghề. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít thanh niên có nguyện vọng khởi nghiệp nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn. Đối với chương trình vay vốn 120, các cơ sở sản xuất, kinh doanh do đoàn viên, hội viên thanh niên, gia đình trẻ kinh doanh cá thể được vay không quá 500 triệu đồng/dự án. Đây là nguồn vốn giải quyết việc làm cho thanh niên nên đoàn viên, thanh niên phải liên kết sản xuất với nhau hoặc đã có mô hình sản xuất và chứng minh được hiệu quả thì mới được tiếp sức bằng nguồn vốn 120. Thêm vào đó, quy mô của nguồn vốn còn hạn hẹp trong khi nhu cầu vay của thanh niên rất lớn, cho nên số lượng vốn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, gây khó khăn trong việc mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh của thanh niên. Hơn thế nữa, khi tiếp cận với nguồn vốn 120, mặc dù có nhiều ưu đãi nhưng khi làm thủ tục vay vốn, người vay phải chứng minh được hiệu quả của các mô hình sản xuất, kinh doanh; một số trường hợp phải có tài sản thế chấp, nhưng phần lớn đoàn viên, thanh niên còn phụ thuộc vào gia đình, một số trường hợp đã tách hộ khẩu ra ở riêng nhưng chưa có tiềm lực kinh tế, không có tài sản để thế chấp.Đồng chí Phùng Thị Hồng Chuyên- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Thực tế có khá nhiều gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi, rất nhiều mô hình tốt nhưng vì nguồn vốn còn hạn chế nên chưa tiếp cận được. BTV Tỉnh đoàn đã rà soát, lựa chọn các mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu, đủ điều kiện ở tất cả các huyện, thị, thành đoàn để hỗ trợ giải ngân nguồn vốn vay, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn để đảm bảo phát huy hiệu quả và khả năng thu hồi vốn đúng hạn. Thời gian vay vốn của mỗi dự án thường kéo dài từ 2-3 năm nên việc quay vòng vốn được ít và cũng phải luân chuyển giữa các địa phương trong tỉnh”.Chính từ những khó khăn nêu trên, T.Ư Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ hình thành một chương trình tín dụng hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Chương trình này không trùng lặp các nguồn vốn hỗ trợ chính sách của Chính phủ đối với thanh niên ở khu vực nông thôn. Nguồn vốn 120 sẽ dành cho các cơ sở sản xuất có khả năng tạo việc làm cho thanh niên nông thôn tại chỗ, để họ không phải ly hương tìm kiếm việc làm. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp bộ đoàn thông qua những chính sách phù hợp, trong thời gian tới, thanh niên nông thôn có mô hình sản xuất, kinh doanh sẽ gặp thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, hình thành các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp tục tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ khác, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhanh, bền vững.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/khoi-nghiep-tu-nguon-von-120-168141