Khởi nghiệp Việt Nam: Từ ý tưởng đến thực tế

'Một dự án khởi nghiệp muốn trụ vững trên thị trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đòi phải có tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng cao. Muốn đạt được điều này, bản thân các start-up phải thâm nhập thực tế, lắng nghe 'hơi thở' của đời sống và sản xuất để có được ý tưởng khởi nghiệp mang tính vượt trội so với phần còn lại.' - Ths. Phan Văn Hiệp - tác giả dự án 'Máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời', chia sẻ.

Ths. Phan Văn Hiệp - tác giả dự án “Máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời”.

Ths. Phan Văn Hiệp - tác giả dự án “Máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời”.

Bén duyên khởi nghiệp từ đề tài nghiên cứu khoa học

Vào những ngày đầu tiên của năm 2018, ngay sau khi phát sóng công trình nghiên cứu dự án “Máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời” tại một kênh truyền hình, hàng trăm cuộc gọi điện thoại của bà con nông dân và các cơ sở chế biến thủy sản từ Cần Giờ, Củ Chi và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gọi về trường Đại học Văn Hiến để tìm thầy Phan Văn Hiệp, đặt hàng sản phẩm.

Theo dấu thành công, phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam được biết xuất phát điểm của dự án đến từ đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh về “Ứng dụng năng lượng mặt trời sấy cá sặc rằn tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh”. Đến năm 2017, “Máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời” của Ths. Phan Văn Hiệp - Giảng viên khoa Kỹ thuật - Công nghệ Trường Đại học Văn Hiến, từ đó được ra đời.

Sau rất nhiều các cải tiến và nghiên cứu bổ sung công nghệ, tháng 4/2019, ông Hiệp đã thành lập Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS (ITS) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu ra thị trường.

Chất lượng sản phẩm khi sử dụng máy sấy được nâng cao rõ rệt nhờ công nghệ tách ẩm ngõ vào và công nghệ sấy động. Ảnh: Phan Linh

Chất lượng sản phẩm khi sử dụng máy sấy được nâng cao rõ rệt nhờ công nghệ tách ẩm ngõ vào và công nghệ sấy động. Ảnh: Phan Linh

Chia sẻ về hiệu quả của dự án, ông Hiệp phấn khởi: “Dự án đã tiết kiệm đến 90% điện năng tiêu thụ so với giải pháp sấy truyền thống, từ đó kéo giảm chi phí vận hành và gia tăng lợi nhuận cho cơ sở, cho bà con. Bên cạnh đó, giảm nhân công và mặt bằng xây dựng. Giá trị đầu tư cũng rẻ nhất thị trường".

Đặc biệt, Máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời sấy được hầu hết các sản phẩm nông nghiệp nhờ tính đa năng và thân thiện với người sử dụng. Chất lượng sản phẩm sau sấy cũng được nâng cao rõ rệt nhờ công nghệ tách ẩm ngõ vào và công nghệ sấy động. Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo quản tốt hơn sản phẩm sau sấy nhờ công nghệ khử vi sinh bằng tia cực tím dải C (UVC).

Song hành cùng mục tiêu bảo vệ môi trường chung của đất nước, dự án của ông Hiệp ghi nhận tiêu chí bảo vệ môi trường cao khi giảm được phát thải carbon, không gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh và phát triển bền vững.

Thất bại là “học phí” - chữ “nhẫn” là chiến lược

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Hiệp bày tỏ: “Dự án khởi nghiệp nào cũng gặp vô vàn khó khăn và ITS cũng không phải ngoại lệ. Việc bao vây các quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố sống còn đối với các start-up công nghệ, tuy nhiên thủ tục xác lập các quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn rất nhiều bất cập và nhiêu khê."

Cần đi vào thực chất và đóng góp cho tiến trình phát triển kinh tế

“Chúng ta phải dũng cảm nhìn nhận những khiếm khuyết và thay đổi triệt để cách thức thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng sử dụng ngân sách nhà nước trong các viện trường hiện nay, phải dừng ngay những phong trào khởi nghiệp theo kiểu “đến vỗ tay rồi ra về” mới mong phong trào khởi nghiệp đi vào thực chất và có những đóng góp quyết định cho tiến trình phát triển kinh tế đất nước" - Ths. Phan Văn Hiệp.

Thời gian trung bình để ITS xác lập bằng độc quyền sáng chế lên đến 5 năm với chi phí dịch vụ rất lớn. Hiện nay, ITS đang được hỗ trợ bởi chương trình ươm tạo của Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh để thực hiện xác lập các quyền sở hữu trí tuệ này.

Dự án ITS có xuất phát điểm là đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng từ môi trường đại học. Điều này đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải gắn hoạt động nghiên cứu khoa học của mình với thực tiễn sản xuất và đời sống.

Ông Hiệp chia sẻ: “Đây là một trong những điểm yếu cố hữu của môi trường nghiên cứu trong các viện trường đại học hiện nay. Tôi cũng như ITS đã vượt qua thử thách này bởi sự dấn thân với bà con nông dân và cơ sở sản xuất để lắng nghe những nhu cầu từ cơ sở".

Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển chính của bất kỳ một nền kinh tế đang phát triển nào. Một dự án khởi nghiệp muốn trụ vững trên thị trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi dự án phải có tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng cao.

Tính mới và sáng tạo tạo nên tính tiên phong, tính “duy nhất” của sản phẩm khởi nghiệp trên thị trường. Muốn đạt được điều này thì bản thân các start-up phải thâm nhập thực tế, lắng nghe “hơi thở” của đời sống và sản xuất để có được các ý tưởng khởi nghiệp mang tính vượt trội với phần còn lại.

Đồng thời, các khởi nghiệp trẻ phải nhanh chóng bao vây các quyền sở hữu trí tuệ được cấu thành từ các tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng của sản phẩm khởi nghiệp để bản thân start-up luôn dẫn đầu thị trường. “Không bao giờ được bằng lòng với sản phẩm khởi nghiệp hiện tại. Không ngừng đổi mới sáng tạo đối với sản phẩm khởi nghiệp hiện có để không bị tụt lại phía sau.” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng: "Trên hành trình đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ đó, thất bại sẽ là những bài học, là “học phí” đắt giá đối với bất kỳ một start-up nào. Vì vậy đòi hỏi ở các bạn trẻ khởi nghiệp sự nhẫn nại, kiên trì rất lớn để có thể đạt đến thành công. Chữ “Nhẫn” là nhân tố quan trọng mà các start-up trẻ cần phải luôn ghi nhớ nếu mong muốn mình đạt đến thành công".

Start-up thành công góp phần đưa đất nước trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm trong kết nối và hỗ trợ các start-up, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) - bà Đặng Thị Luận cho rằng, khởi nghiệp không chỉ là hành trình cá nhân mà còn là cơ hội để đóng góp cho cộng đồng và đất nước.

"Chứng kiến các startup từ ý tưởng đến trở thành doanh nghiệp có sức ảnh hưởng là minh chứng cho sự kiên trì, sáng tạo và hỗ trợ đúng lúc. Thành công của các dự án cũng khẳng định rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang triển khai Nghị quyết 98 đặc thù và tòa nhà của Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo chuẩn bị đưa vào sử dụng” - bà Luận bày tỏ.

Gia Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-nghiep-viet-nam-tu-y-tuong-den-thuc-te-169837-169837.html