Khởi nghiệp với bánh Cam Duyên
Khoảng 10 năm trước, trong một dịp dự đám cưới họ hàng ở miền Nam, chị Lê Thị Hoa Dương, thôn 1, xã Yên Thịnh (Yên Định) được thưởng thức loại bánh rán vừng thơm ngon, chị đã nảy ra ý tưởng mang hương vị của loại bánh này về sản xuất, quảng bá tại thị trường quê nhà.
Vốn có kinh nghiệm làm bánh gia truyền là bánh lá, bánh răng bừa từ trước, nên chỉ cần tìm hiểu qua cách làm bánh rán vừng là chị Hoa Dương đã biết cách chế biến sao cho nguyên liệu, hương vị phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của người tiêu dùng trong tỉnh. Bánh rán vừng có thể quen thuộc với nhiều người đã từng thưởng thức, nhưng với tư duy nhạy bén thị trường, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, chị Hoa Dương đã “sáng tạo” ra sản phẩm có sự khác biệt về hương liệu, mẫu mã, bao bì và cả tên gọi để dễ đi vào thị hiếu người tiêu dùng hơn. Đó là “bánh Cam Duyên”. Chị Hoa Dương lý giải: “Tên gọi này chính là duyên của tôi với nghề, sau thời gian đưa nghề về quê đã tạo được việc làm cho nhiều lao động”. Đến nay, bánh Cam Duyên đã và đang được thị trường đón nhận. Sản phẩm đã được chị đăng ký tham gia cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” năm 2023 do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đạt giải triển vọng.
Để nghề “sống” được, cơ sở sản xuất của gia đình chị đã rất cẩn trọng trong sản xuất ở các khâu, từ lựa chọn nguyên liệu như: gạo nếp, vừng, nước cốt dừa, đậu xanh... phải sạch và an toàn từ thiên nhiên, giàu dinh dưỡng; cách chế biến cân đối giữa các hương liệu; sản phẩm phải có vị vừa thơm mát, dịu ngọt, đậm đà... sao cho phù hợp với mọi đối tượng sử dụng; cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm bắt mắt... Nhờ đó, sản phẩm bánh Cam Duyên cùng với các sản phẩm truyền thống của gia đình đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng sản phẩm bánh Cam Duyên vào dịp lễ, tết, bình quân một ngày, cơ sở đã cung ứng cho thị trường từ 2.000 đến 2.200 chiếc, cao hơn 1,5 đến 2 lần so với ngày thường. Sản phẩm có mức giá dao động từ 25 đến 35 nghìn đồng/hộp. Sau hơn 10 năm phát triển, nhãn hiệu bánh Cam Duyên đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, được cấp mã số truy xuất nguồn gốc và đạt OCOP hạng 3 sao.
Chị Lê Thị Hoa Dương chia sẻ thêm: Sản phẩm đã cung ứng ra thị trường ngoài tỉnh, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Ninh Bình. Tại thị trường trong tỉnh đã có mặt ở các nhà hàng, khách sạn, siêu thị mini và đặc biệt, qua kênh bán hàng online, gia đình được nhiều thực khách đặt hàng và phản hồi tích cực.
Khởi nghiệp ở tuổi 50, chị Hoa Dương không chỉ mang lại giá trị kinh tế, tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần truyền năng lượng tích cực cho nhiều chị em phụ nữ khác tự tin, nỗ lực thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình đi vào cuộc sống.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/khoi-nghiep-voi-banh-cam-duyen/190111.htm