Khởi nghiệp vùng đất khó: Bước tạo đà
Về việc tạo bước đệm cho thanh niên khởi nghiệp, nhất là thanh niên ở các huyện nghèo, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hành, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh; chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn; anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát.
Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS&MN)
Ông Lê Minh Hành:
Vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa gồm 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi. Toàn vùng có 7 dân tộc chính cùng sinh sống là: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú, với tổng dân số gần 1 triệu người. Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia... đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện nay vùng DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh; đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chưa thực sự có nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhất là trong đoàn viên, thanh niên; thu hút đầu tư vùng DTTS&MN còn nhiều hạn chế.
Nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 và Kế hoạch 182/KH-UBND của UBND tỉnh, Ban Dân tộc đã ban hành Kế hoạch số 839/KH-BDT ngày 25-7-2023, triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 trong năm 2023. Nội dung thực hiện đó là tổ chức diễn đàn “Thanh niên giao lưu, kết nối, chia sẻ kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp tại vùng DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Đồng thời, triển lãm các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên vùng DTTS&MN; tổ chức hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS&MN; truyền thông, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN, thu hút đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua các hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đồng bào vùng DTTS&MN về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng sáng tạo của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn miền núi. Thúc đẩy, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp; kích thích sáng tạo, tư duy năng động, truyền cảm hứng kinh doanh, khơi dậy những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, khát vọng làm giàu trong đồng bào DTTS&MN, nhất là đoàn viên, thanh niên; xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh trong thời gian tới.
Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp
Chị Phùng Tố Linh:
Đồng hành cùng với thanh niên lập thân, lập nghiệp, các cơ sở đoàn thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm. Tính riêng trong 6 tháng đầu nay năm đã tư vấn, hướng nghiệp cho 78.900 thanh niên, có 16.995 thanh niên được giới thiệu việc làm; 116 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được thành lập mới do thanh niên làm chủ; hỗ trợ, tư vấn thành lập mới 27 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế; duy trì hoạt động hiệu quả 800 mô hình “Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”.
Hiện, Thanh Hóa có các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như: Quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Thanh Hóa, nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn... Tỉnh đoàn tăng cường nguồn hỗ trợ cho thanh niên các huyện nghèo, như Mường Lát hỗ trợ 5 mô hình với tổng số vốn 390 triệu đồng; Quan Sơn 30 mô hình với tổng 2.141 triệu đồng; Thường Xuân 29 mô hình với tổng số vốn 1.675 triệu đồng; Lang Chánh 11 mô hình với tổng số vốn là 572 triệu đồng; Bá Thước là 8 mô hình với tổng số vốn là 507 triệu đồng...
Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đề xuất tăng thêm 10 tỷ đồng nguồn vốn vay Quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho thanh niên Thanh Hóa, nâng tổng nguốn vốn do Đoàn quản lý hiện đạt 50 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên được chú trọng nhất là khu vực miền núi như tổ chức diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp”, “Đối thoại với thanh niên”, tập huấn kiến thức về khoa học công nghệ, tham quan và học tập mô hình trong và ngoài tỉnh... Đặc biệt, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa” đã thu hút ngày càng nhiều ý tưởng của thanh niên miền núi, trong đó có những ý tưởng đạt giải cao như: “Phát triển thương hiệu rượu chuối men lá Mường Páng” của tác giả Phạm Thị Thanh Nhàn (huyện Quan Hóa) giải nhì, lần thứ 11 năm 2022; “Trà quýt hoi sản phẩm từ sườn núi Pù Luông” giải nhất, lần thứ 10 của nhóm tác giả đến từ thị trấn Cành Nàng (Bá Thước)...
Đồng thời, các cấp bộ đoàn tích cực thực hiện các giải pháp để hỗ trợ thanh niên xây dựng sản phẩm OCOP, đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm. Tích cực rà soát nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Nâng cao nhận thức cho thanh niên về khởi nghiệp
Anh Lâu Văn Phía:
Đa phần thanh niên của huyện đi làm ăn xa làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng, phát triển các hoạt động đoàn, đặc biệt là phong trào thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, củng cố và xây dựng lực lượng thanh niên tại địa phương, đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, huyện đoàn tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau, như thành lập câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, tuyên dương các mô hình khởi nghiệp hiệu quả, tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế trong và ngoài địa phương. Bên cạnh đó là mở các lớp tập huấn kiến thức, thực hiện chuyển giao công nghệ...
Do đặc điểm địa hình Mường Lát mỗi vùng có khí hậu khác nhau, do vậy huyện đoàn tăng cường hoạt động định hướng, xây dựng mô hình phù hợp đối với thanh niên, như xã Quang Chiểu có nhiều diện tích ruộng thì hình thành mô hình trồng lúa nếp cay nọi, xã Pù Nhi nhiều đồi núi thích hợp cho chăn nuôi...
Hiện, Mường Lát có 21 mô hình khởi nghiệp của thanh niên. Tuy các mô hình ở quy mô nhỏ và vừa, nhưng đã giúp thanh niên có việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định.