Khối ngoại trở lại mua ròng, nhóm bất động sản kéo VN-Index tăng mạnh
Với sự trở lại của dòng tiền khối ngoại, dòng tiền khối nội cũng tự tin gia nhập thị trường hơn, giúp VN-Index có phiên tăng điểm mạnh.

Nhóm cổ phiếu bất động sản có phiên "đồng khởi".
Đóng cửa phiên 19/2, chỉ số sàn HoSE vươn lên mốc 1.288,56 điểm, tăng hơn 10 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index cũng tăng gần 2 điểm, còn UPCoM ngược chiều giảm 0,17 điểm. Thanh khoản gia tăng với tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt gần 18.000 tỷ đồng.
Tín hiệu tích cực khác là khối ngoại đã đảo chiều mua ròng sau hơn 2 tuần miệt mài bán ròng. Giá trị mua ròng trên HoSE đạt 355 tỷ đồng (trong tổng số hơn 3.500 tỷ đồng giao dịch). Danh sách các mã được mua mạnh gồm OCB 59 tỷ đồng, TCH 55 tỷ đồng, FPT 47 tỷ đồng, SIP 45 tỷ đồng, DBC 43 tỷ đồng; MSN, VCI, EIB, LPB, GVR, HDG hơn 30 tỷ đồng; HVN, BID, GEX, KBC, VGC, DXG, PLX, SHB hơn 20 tỷ đồng.
Chiều bán ròng dẫn đầu là NLG với hơn 40 tỷ đồng. HHS và VCB cũng bị bán ròng hơn 30 tỷ đồng. Ngoài ra còn có GMD, SSI, SAB, VPB, HCM, DGC, MWG bị bán ròng hơn 20 tỷ đồng...
VN30 tăng hơn 7 điểm lên mốc 1.344,64 điểm. Chỉ có 3 mã bluechip ở chiều giảm gồm BVH -1,4%; HPG và SSB giảm nhẹ. VJC đứng tham chiếu, còn lại đều tăng giá. Các mã tăng tốt là BCM +2,6%, GVR +2,6%, MWG +2,4%, MSN +2%, VRE +2,1%, PLX +1,4%, GAS +1%.
Thị trường tăng điểm trên diện rộng với các nhóm ngành đều phủ sắc xanh. Trong đó, nhóm bất động sản có đóng góp tích cực nhất. Đây cũng là nhóm chưa có sự phục hồi nhiều trong thời gian qua. TCH, SIP và một số mã nhỏ khác tăng trần. Trong đó, SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG xác lập mức đỉnh mới tại vùng giá 86.600 đồng/cp.
Các mã tăng mạnh khác là KBC +3,3%, DXG +3,7%, CEO +6,6%, SZC +3,5%, KHG +6,6%, IDC +3,7%, NLG +3%, NTL +4,3%, SCR +3,9%, BCM +2,6%, QCG +2,8%, HPX +3,8%, AGG +3,3%, PDR +1,8%, NVL +1,1%... Đa số các mã khác cũng đều ở chiều tăng, giảm giá chỉ có một số mã nhỏ như AAV, D2D, SJS...
Nhóm ngân hàng tăng tốt nhất là EIB của Eximbank, tăng 5,1% lên giá 20.450 đồng/cp. Ngân hàng này mới công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với các chỉ tiêu đều tăng trưởng so với năm 2024 (YoY). Trong đó, tổng tài sản mục tiêu đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 11% YoY; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.580 tỷ đồng, tăng 33% YoY.
Một số mã ngân hàng nhỏ khác cũng tăng tốt, gồm BAB +3,3%, OCB +1,7%, SGB +1,6%. Đa số các mã khác đều tăng giá nhưng mức tăng không lớn. Chiều giảm có VBB -3,1%, NVB -1,7%; PGB, SSB, VAB giảm nhẹ. ABB, KLB, NAB đứng tham chiếu.
Nhóm chứng khoán cũng ghi nhận dòng tiền ưu ái các mã nhỏ hơn, với CSI +3,8%, BMS +2,6%, HBS +2,8%, TVS +3,8%, VDS +2,1%, WSS +4,2%. Ở nhóm vốn hóa lớn, VIX tiếp tục diễn biến tích cực, tăng 2,3% lên giá 11.200 đồng/cp. Sau khi giảm về dưới mệnh giá vào đầu tháng 1/2025, cổ phiếu này đang cho thấy sự phục hồi. VCI, HCM tăng hơn 1%; còn SSI, VND và SHS chỉ tăng nhẹ.
Chiều giảm trong nhóm có IVS -2,7%, TCI -1,5%, AAS -1,1%, APG giảm nhẹ. ABW, APS, VFS, VIG đứng tham chiếu.
Tại các nhóm ngành khác, một số mã thu hút dòng tiền là REE, YEG tăng trần; HHS +6,5%, HBC +7%, VGC +3,9%, DPG +3,4%, ACV +3,2%, DGW +2,7%...
Ngược chiều thị trường, nhóm khoáng sản tiếp tục bị chốt lời sau giai đoạn tăng nóng. KSV nằm sàn phiên thứ hai liên tiếp, lùi về giá 242.700 đồng/cp. HGM của Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang cũng giảm hết biên độ. MSR giảm gần 12%, lùi về giá 19.900 đồng/cp. KCB, MTA, MIC, TNT, LBM đều giảm mạnh.
Cổ phiếu GEE sau nhiều phiên liên tục phá đỉnh cũng gặp áp lực chốt lời, giảm gần 4% về giá 53.900 đồng/cp.