Khơi nguồn sáng tạo trong công nhân, người lao động
Hưởng ứng phong trào thi đua 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo' do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, nhiều công nhân, người lao động tại các Khu công nghiệp trong tỉnh đã không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm, tận dụng kinh nghiệm thực tiễn để nghiên cứu, tìm tòi và cho ra đời nhiều sáng kiến hữu ích. Những sáng kiến này không chỉ góp phần cải thiện năng suất, chất lượng lao động mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, khẳng định vai trò chủ thể sáng tạo của người lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kỹ sư Phạm Văn Nam, Công ty cổ phần sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam vận hành máy tại dây chuyền sản xuất. Ảnh: Trường Giang
Hơn 10 năm gắn bó với Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam (Khu công nghiệp Gián Khẩu), anh Phạm Văn Nam, Tổ trưởng Tổ Kỹ sư đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, bám sát thực tế công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong quá trình công tác, anh đã có nhiều giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động và tạo môi trường làm việc an toàn. Đáng chú ý là sáng kiến “Lập trình chương trình đào tạo súng định lực lốp dòng xe Creta (Su2id)”. Đây là một giải pháp kỹ thuật giúp Công ty tối ưu hóa quy trình sản xuất và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng lao động sáng tạo năm 2023.
Nói về sáng kiến của mình, anh Nam cho biết: “Trước đây, việc cân lực bánh xe được thực hiện thủ công, mất thời gian và tốn sức lao động. Mặc dù Công ty đã đầu tư thiết bị tự động, nhưng để lập trình vận hành cho dòng xe mới, bắt buộc phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí lớn. Nắm bắt được hạn chế này, tôi đã chủ động nghiên cứu, lập trình phần mềm cho thiết bị súng bắn tự động. Sau khi được áp dụng, thiết bị hoạt động ổn định, đảm bảo độ chính xác cao”. Sáng kiến của anh Nam đã giúp Công ty tiết kiệm chi phí thuê chuyên gia nước ngoài lên đến hơn 1,1 tỷ đồng. Không chỉ tiết giảm chi phí, sáng kiến còn góp phần tăng năng suất lao động, giảm nhân công, hỗ trợ quá trình đào tạo và rút ngắn thời gian lập trình cho dòng xe mới.
Tại Công đoàn Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” luôn diễn ra sôi nổi và rộng khắp với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa.
Theo anh Phạm Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty, Ban lãnh đạo cùng công đoàn cơ sở luôn xác định sáng tạo chính là yếu tố then chốt, tạo ra giá trị cốt lõi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi vậy, việc động viên, khích lệ cán bộ, công nhân viên và người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật luôn được chú trọng. Công ty đã xây dựng kế hoạch thi đua cụ thể, trong đó mỗi tuần, mỗi đơn vị phải có ít nhất một sáng kiến về an toàn lao động, một sáng kiến nâng cao chất lượng sản phẩm, và vinh danh một nhân viên tiêu biểu. Chính nhờ cách làm bài bản và khoa học này, mỗi năm, Công ty ghi nhận hàng nghìn sáng kiến lớn nhỏ, trong đó có hàng trăm sáng kiến mang lại giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Anh Tuấn cũng cho biết thêm, không chỉ những sáng kiến có giá trị làm lợi lớn mới được ghi nhận, mà cả những cải tiến nhỏ, nhưng thiết thực, giúp nâng cao hiệu suất công việc ở từng vị trí, bộ phận cũng đều được đánh giá cao và khen thưởng kịp thời. Đây là cách Công ty truyền cảm hứng sáng tạo đến từng kỹ sư, công nhân, giúp họ thêm động lực để không ngừng phát huy năng lực cá nhân, cống hiến cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” hiện đã lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Trong vòng 5 năm qua, đã có 1.684 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng thực tế, đem lại giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng. Trong số đó, có 23 sáng kiến được công nhận ở cấp tỉnh, 1.661 sáng kiến cấp cơ sở; 22 tác giả tiêu biểu đã vinh dự nhận bằng Lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.
Điều đặc biệt là các sáng kiến đều bắt nguồn từ chính thực tiễn sản xuất, công việc hàng ngày của người lao động. Nhờ đó, các ý tưởng đều sát thực tế, giúp cải thiện quy trình làm việc, nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn lao động, cải tiến công nghệ và tăng hiệu quả sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các sáng kiến này vào dây chuyền sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cao, đồng thời góp phần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại. Một số đơn vị tiêu biểu đi đầu trong phong trào có thể kể đến như: Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam; Nhà máy MCNEX VINA; Công ty Dịch vụ và Hạ tầng ô tô Thành Công; Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình; Nhà máy kính Tràng An…
Chia sẻ thêm về kết quả đạt được, ông Đinh Thế Hùng, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh khẳng định: Để phong trào đạt hiệu quả cao, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tích cực đề xuất với doanh nghiệp thành lập Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở. Hội đồng có nhiệm vụ đánh giá, xét duyệt và ghi nhận các sáng kiến một cách công bằng, minh bạch. Bên cạnh đó, công đoàn còn đóng vai trò kết nối, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các cá nhân có sáng kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động được tham gia và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Công đoàn các cấp cũng phối hợp cùng lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện tốt công tác khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tập thể có sáng kiến nổi bật, từ đó lan tỏa tinh thần thi đua trong toàn thể người lao động.
Những nỗ lực ấy đã tạo nên một môi trường làm việc không chỉ chuyên nghiệp mà còn tràn đầy động lực và sáng tạo-yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu. Những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua đã khẳng định rằng, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” không chỉ là sân chơi phát huy trí tuệ, tài năng của người lao động mà còn là nguồn lực quý báu thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Sức sáng tạo của công nhân, người lao động được đánh thức, tôn vinh và ghi nhận kịp thời đã trở thành động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đây cũng là nền tảng vững chắc giúp các Công đoàn cơ sở có thêm cơ sở để thương lượng, đề xuất các chế độ, chính sách, phúc lợi tốt hơn cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.