Cần thiết sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để đáp ứng yêu cầu phát triển mới
Chiều 5/5/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Luật hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đồng thời khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành luật suốt 15 năm qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội khóa XII thông qua từ ngày 17/6/2010. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sau hơn một thập kỷ thực thi, bối cảnh pháp lý, chính sách và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã ban hành và sửa đổi nhiều đạo luật có liên quan, cam kết quốc tế về phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang tạo ra những đòi hỏi cấp thiết về việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản đang tăng cường các hàng rào kỹ thuật liên quan đến tiêu chuẩn xanh và dấu vết carbon. Điều này đặt ra thách thức lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nếu không có phản ứng chính sách kịp thời. Trong khi đó, một số quy định của Luật hiện hành đã bộc lộ sự lỗi thời, thiếu thực tiễn và không còn phù hợp với xu thế phát triển chung.
Hoàn thiện dự thảo theo đúng quy trình pháp luật
Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng cho biết, quá trình xây dựng dự án Luật được thực hiện nghiêm túc, bài bản theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan soạn thảo đã tổ chức hàng loạt hội thảo tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học và người dân. Từ đó, dự thảo Luật đã được hoàn thiện, gửi kèm theo Tờ trình số 176 ngày 08/4/2025 của Chính phủ trình Quốc hội.
Dự án Luật cũng đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng. Ngày 23/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, trên cơ sở đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chỉnh lý, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, kèm theo Báo cáo số 308 ngày 04/5/2025.
Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào bốn chính sách lớn, gồm:
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quản lý, phát triển dịch vụ tư vấn, kiểm toán năng lượng và đào tạo nhân lực; Hoàn thiện các chính sách ưu đãi và công cụ tài chính hỗ trợ lĩnh vực năng lượng; Thúc đẩy chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng.
Dự thảo Luật được bố cục thành 3 điều, sửa đổi 21 khoản liên quan đến 19 điều trong Luật hiện hành. Các nội dung sửa đổi tập trung vào xây dựng công cụ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền và thúc đẩy thị trường năng lượng hiệu quả.
Về cải cách thủ tục hành chính, Dự thảo Luật cắt giảm 50% thủ tục so với luật hiện hành. Cụ thể: Thủ tục cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng sẽ được chuyển sang hình thức tự công bố; Thủ tục chứng chỉ kiểm toán năng lượng cũng được cắt giảm.
Ngoài ra, việc phân cấp cũng được đẩy mạnh, chuyển một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh và các bộ chuyên ngành. Điều này giúp rút ngắn quy trình, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở cấp cơ sở.
Với yêu cầu cấp thiết và tính đồng bộ cao của dự án Luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật tại một kỳ họp. Ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật, nhằm đảm bảo Luật đi vào thực tiễn một cách đồng bộ, hiệu quả.
“Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng và hiện thực hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.