Khơi nguồn vốn thúc đẩy kinh tế nông thôn
Thông qua nhiều kênh dẫn vốn như từ các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân... nguồn vốn vay cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn luôn tăng trưởng tín dụng mức cao, chiếm 10-12% hằng năm.
Đây là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, kinh tế nông thôn...
Đa dạng kênh dẫn vốn cho nông dân
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Đồng Lệ, xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ) những năm qua tiếp cận 2 nguồn: Vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua các hội đoàn thể và Quỹ Hỗ trợ nông dân với số vốn dao động 40-80 triệu đồng để mở rộng sản xuất.
Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (cùng thôn Đồng Lệ) qua nhiều kênh dẫn cũng được hỗ trợ vay 100 triệu đồng để cải tạo vườn, đầu tư thêm cây/con giống. Với tổng diện tích 6,5 sào đất, gia đình ông trồng hơn 20 gốc ổi, hơn 100 gốc bưởi kết hợp nuôi gà... Đời sống gia đình ngày càng được cải thiện.
Ngoài 2 nguồn vốn trên, theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng, Agribank trên địa bàn Hà Nội và Hội Nông dân thành phố đã ký kết thỏa thuận triển khai. Theo đó, Hội Nông dân các huyện phối hợp với Agribank Chi nhánh loại II, Phòng Giao dịch trực thuộc thực hiện cho vay chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn. Chủ tịch
Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Lợi chia sẻ: “Số vốn nông dân tiếp cận qua Agribank khu vực Chương Mỹ năm sau đều cao hơn năm trước. Hệ thống tổ vay vốn thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của ngân hàng, của Hội Nông dân, giúp nông dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn vay để thoát nghèo, làm giàu”.
Đại diện Agribank - Chi nhánh Hà Nội II Lê Đình An thông tin thêm: Đến nay, chương trình phối hợp giữa Agribank với Hội Nông dân Hà Nội đã tạo kênh dẫn vốn hiệu quả cho người dân, qua đó góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen” ở các vùng quê.
Thống kê sơ bộ, tổng nguồn vốn hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… trên địa bàn thành phố đã đạt hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Ở phạm vi cả nước, riêng nông nghiệp, nông thôn có mức dư nợ khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương 1/4 tổng dư nợ nền kinh tế; mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực ngành Nông nghiệp, nông thôn duy trì cao nhất trong các ngành, chiếm 10-12% hằng năm.
Tạo cơ chế sản xuất quy mô lớn
Là người làm nông nghiệp nhiều năm, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long chia sẻ: Nông dân muốn tiếp cận vốn làm ăn nhỏ lẻ thì dễ, nhưng để đầu tư công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết thì còn rất hạn chế. Ngoài yếu tố chính sách, đầu tư cho nông nghiệp còn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh... Thêm nữa, tài sản thế chấp ngân hàng không mấy giá trị, đất trang trại thì giấy tờ không đồng bộ, tài sản trên đất được định giá thấp… khiến mức vay hầu như khó đáp ứng yêu cầu của hộ sản xuất quy mô lớn.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa nêu: Hiện nay, với mức tiếp cận vốn của nông hộ từ 50 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất nhỏ lẻ. Muốn tạo thành chuỗi giá trị nông sản, xây dựng ngành hàng gắn với các chi tổ hội nghề nghiệp lớn như chi hội hoa cây cảnh, chi hội chăn nuôi công nghệ cao… đòi hỏi nguồn vốn phải tương xứng. Do đó, tín dụng cho nông dân trong giai đoạn hiện nay cũng cần có quyết sách, chuyển biến mạnh hơn nữa theo hướng tăng nguồn vốn vay với đơn vị tham gia chuyển đổi số và xây dựng chuỗi liên kết giá trị cao.
Về lĩnh vực này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trăn trở: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ có rất nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Riêng ngành Ngân hàng, đến thời điểm hiện nay có 18 chính sách trực tiếp hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, làm thế nào để tạo cơ chế chính sách cho nông dân phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp giá trị cao vẫn là vấn đề không dễ dàng.
Để tháo gỡ, Ngân hàng Nhà nước đã đặt vấn đề với Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành khác cùng nghiên cứu để xây dựng, mở rộng điều kiện, đối tượng thụ hưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Việc mở rộng đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là điều cần thiết, phù hợp xu thế và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tại hội nghị đối thoại với nông dân vào 30-12-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục nghiên cứu hình thức cho vay tín chấp tài sản hình thành trong tương lai nhiều hơn để hỗ trợ nông dân. Các ngân hàng cũng cần đánh giá, khai thác yếu tố tâm lý truyền thống thật thà, chất phác của nông dân để có tín dụng phù hợp phát triển sản phẩm nông nghiệp, đồng thời cần phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò các quỹ hỗ trợ nông dân…
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khoi-nguon-von-thuc-day-kinh-te-nong-thon-656574.html