Khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lũ kéo dài, nhiều địa phương tại miền Bắc bị thiệt hại khá lớn về sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Các cơ quan chức năng và các địa phương đang cùng bà con nông dân dồn toàn lực để khắc phục hậu quả và khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3.

Ảnh hưởng của bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Ảnh hưởng của bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Nhiều diện tích lúa, hoa màu, thủy sản bị đổ, ngập, hư hỏng…

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT), qua rà soát, thống kê thiệt hại, tính đến hết ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ đã gây ảnh hưởng trên diện rộng về sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền Bắc.

Khẩn trương đề xuất chính sách hỗ trợ để người dân kịp thời khôi phục sản xuất

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung, khẩn trương rà soát, phân loại diện tích cây trồng bị thiệt hại theo các mức độ thiệt hại để có giải pháp khắc phục phù hợp; đề xuất chính sách hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại theo quy định để người dân kịp thời khôi phục sản xuất; tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật...); không để xảy ra tình trạng thiếu các loại vật tư nông nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Cụ thể, 202.094 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, tăng 6.165ha; 39.298 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, tăng 5.288ha; 22.288 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.848 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 4.594 con gia súc, 1.786.872 con gia cầm bị chết...

Trước đó, để chuẩn bị ứng phó bão số 3, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn các giải pháp khắc phục đối với lúa, hoa màu và cây dài ngày. Theo đó, khắc phục sản xuất trồng trọt sau cơn bão số 3 - Yagi, đối với sản xuất lúa, cần tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại. Đối với rau màu, tập trung tranh thủ, kịp thời thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thương phẩm để đảm bảo năng suất và chất lượng…

Với vùng chuyên rau màu, màu, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo nông dân khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng. Cục này cũng lưu ý, hiện nay lượng hạt giống rau màu phục vụ sản xuất vụ đông đã được các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng, không lo thiếu giống.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh, đối với sản xuất, trong lúc này việc ưu tiên là cần bơm nước thoát ngập úng. Với những diện tích bị thiệt hại nặng không thể khôi phục, bà con cần chuẩn bị để sẵn sàng sản xuất vụ đông, với phương châm gieo trồng càng sớm càng tốt nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Ngoài ra, để giúp bà con nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) đã sớm ban hành quy trình hướng dẫn đối với từng loại cây trồng, vật nuôi và chuyển tải đến cho lực lượng khuyến nông các địa phương bị ảnh hưởng bão lụt để phổ biến cho nông dân. Hiện nay, đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã đến một số địa phương để kiểm tra, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lụt.

Sớm đưa sản xuất nông nghiệp trở lại bình thường

Để kịp thời ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão số 3, các địa phương tại miền Bắc vừa tìm giải pháp vừa trực tiếp bắt tay khắc phục hậu quả nhằm đưa hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có sản xuất nông nghiệp trở lại bình thường.

Ảnh hưởng của bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp Thủ đô với 2.243ha lúa, 1.250ha rau màu, 1.185ha cây ăn quả, hoa, cây hằng năm và 257ha thủy sản bị úng ngập. Tuy nhiên, tại địa phương này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đang tập trung các nguồn lực nhằm hồi phục sản xuất nông nghiệp. Không khí hăng hái, nhiệt tình theo phương châm "4 tại chỗ" đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài quán triệt.

Ví dụ, tại huyện Thạch Thất, huyện đã huy động 1.865 người, nhiều phương tiện, thiết bị chuyên dụng... để hỗ trợ bà con phục hồi sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, huyện Mê Linh cũng huy động lực lượng quân đội tại các đơn vị đóng quân trên địa bàn, lực lượng công an huyện, xã để hỗ trợ bà con nông dân phục hồi sản xuất nông nghiệp…

Tương tự, tại tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi bão đi qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đi khảo sát, kiểm tra thực tế các thiệt hại của nông dân, ngư dân và có các chỉ đạo ngành nông nghiệp khắc phục hậu quả, thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất nông nghiệp sau bão, lụt... Song song đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản về việc xây dựng chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3. Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân các cấp đang tích cực đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng hội viên, nông dân, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã khắc phục thiệt hại sau bão, sớm ổn định sản xuất…

Về phía trung ương, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp khẩn nhằm đánh giá tình hình và triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Đối với lĩnh vực thủy sản, có hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi do bão số 3, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức một hội nghị nuôi biển với các địa phương ở miền Bắc bị thiệt hại bởi báo số 3 để khắc phục hậu quả, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản tu sửa, khôi phục hệ thống lồng bè. Đồng thời, đang kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành để có thể hỗ trợ bà con ngư dân về con giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản.

Lãnh đạo NN&PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp vào cuộc nhanh chóng, đưa ra các giải pháp cụ thể để hướng dẫn địa phương, nông dân khắc phục sản xuất nông nghiệp bởi đây không chỉ là sinh kế của hàng chục nghìn hộ nông dân mà còn là nguồn cung lương thực, thực phẩm lớn cho thị trường nội địa và xuất khẩu. /.

Diệu Hoa

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-bao-159575.html