Khởi sắc thị trường lao động phía Nam

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong 9 tháng năm 2023, thị trường lao động thời gian qua cũng đang có dấu hiệu khởi sắc và dự báo những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đà phục hồi.

Thông tin từ Cục Thống kê TP.HCM, kinh tế thành phố qua 9 tháng năm 2023 ghi nhận một số điểm sáng. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,2% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 871.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm trong 9 tháng năm 2023 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thành phố đã cấp phép mới 860 dự án, tăng 51,7% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 406,1 triệu USD, tăng 16,7%.

Người lao động tìm việc tại Khu công nghiệp VSIP 1, Bình Dương.

Người lao động tìm việc tại Khu công nghiệp VSIP 1, Bình Dương.

Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 9 tháng đầu năm 2023, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phân tích từ góc độ tổng cung, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng nhẹ phù hợp với mức cải thiện hằng tháng kể từ tháng 5/2023. Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ cũng có dấu hiệu tích cực với lãi suất cho vay hợp lý, lãi suất cho vay thấp, hạn mức tín dụng tăng, đã và đang kích thích doanh nghiệp vay vốn, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp đang có những dấu hiệu khởi sắc. Các lĩnh vực như: Dệt may, lương thực - thực phẩm bắt đầu nhận được những đơn hàng trở lại. Đặc biệt, tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM là Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thông qua nghị quyết ban hành về quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) cho vay, thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định đà phục hồi tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh việc bơm vốn vào nền kinh tế thông qua việc giảm bớt thủ tục và điều kiện vay vốn, ký kết hợp tác giữa các ngân hàng và UBND các quận, huyện cũng như giảm điều kiện thế chấp tiền vay. Bên cạnh đó, các sở, ngành đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng giải quyết các yêu cầu cấp bách và chính đáng của doanh nghiệp.

Bên cạnh một số điểm sáng của kinh tế TP.HCM, tình hình lao động cũng có những dấu hiệu khởi sắc khi nhiều doanh nghiệp tìm được đơn hàng mới. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), trong quý III/2023, với 14.540 lượt doanh nghiệp cho thấy, họ có nhu cầu tuyển dụng gần 70.000 lao động. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng chỉ tập trung vào 10 nhóm ngành nghề chính, chiếm gần 79% tổng nhu cầu tuyển dụng, các nhóm nghề khác chỉ chiếm hơn 21% nhu cầu tuyển dụng.

Đứng đầu là nhóm nghề kinh doanh thương mại. Nhóm này cần hơn 23.500 chỗ làm việc, chiếm 33,6% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu tập trung vào các vị trí như: Nhân viên kinh doanh, giám sát bán hàng, quản lý cửa hàng, nhân viên bán hàng và hỗ trợ bán hàng…

Nhóm nghề dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cũng cần hơn 9.000 chỗ làm việc, chiếm 12,95% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các vị trí như: Giúp việc gia đình, giao hàng, bảo vệ, nhân viên chăm sóc sắc đẹp…

Dù thị trường trầm lắng, ngành bất động sản vẫn có nhu cầu tuyển mới hơn 4.500 chỗ làm việc, chiếm 6,48% tổng nhu cầu nhân lực, đứng thứ 3 trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất quý III/2023. Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này tập trung vào các vị trí như: Nhân viên kinh doanh, tư vấn, môi giới bất động sản, quản lý tòa nhà…

Khảo sát chất lượng lao động và nhu cầu sử dụng lao động tại gần 10.000 doanh nghiệp trên địa bàn trong quý IV/2023, Falmi cho biết, những tháng cuối năm, thị trường lao động sôi động trở lại, với nhu cầu nhân lực từ 75.500 - 81.500 chỗ làm việc mới. Trong số này, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu nhân lực, còn lại là gần 30% nhu cầu khu vực công nghiệp - xây dựng.

Không chỉ riêng TP.HCM, tình hình thị trường lao động ở Bình Dương cũng đang có dấu hiệu hồi phục. Theo đó, tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Bình Dương đang phục hồi tích cực, tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Điều này được thể hiện rõ khi một số doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng, tuyển dụng lao động trở lại để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Theo ghi nhận, những ngày gần đây, nhiều người lao động vui mừng truyền tai nhau cho biết, công ty chuyên sản xuất gậy golf (trong khu công nghiệp VSIP 1 tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) có đơn hàng trở lại, đang treo bảng tuyển dụng 1.000 lao động phổ thông, thu nhập từ 8 triệu đồng/tháng trở lên.

Theo bảng thông tin của Công ty TNHH Vision International, công ty tuyển dụng 1.000 lao động phổ thông không cần kinh nghiệm. Công ty đào tạo tay nghề miễn phí, ứng viên nộp hồ sơ hoàn toàn miễn phí. Thu nhập của người lao động từ 8 triệu đồng/tháng trở lên và có nhiều chế độ phúc lợi.

Theo các công ty cung ứng lao động ở thành phố Thuận An, Tân Uyên, các doanh nghiệp đang bắt đầu có đơn hàng trở lại và đang lên kế hoạch tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ngoài doanh nghiệp tuyển 1.000 lao động kể trên, một công ty sản xuất giày da (phường An Thạnh, thành phố Thuận An) cũng đang tuyển dụng 250 lao động.

Theo dự báo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm của Bình Dương cần khoảng 20.000 lao động. Trong đó, lao động có tay nghề và lao động phổ thông khoảng 15.000 người, còn lại là lao động có chuyên môn. Dự báo, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn từ tháng 10/2023.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khoi-sac-thi-truong-lao-dong-phia-nam-161135.html