Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 85% tổng dân số toàn tỉnh. Vì vậy, công tác dân tộc được tỉnh đặc biệt quan tâm. 5 năm qua, từ thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách dân tộc (CSDT) đã tạo nguồn lực quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con ở vùng đồng bào DTTS.

Sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo
5 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân tộc. Tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, CSDT và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS, nhất là việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn...
Công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ, hướng dẫn, tổ chức thực hiện CSDT được thực hiện sớm, nghiêm túc, hiệu quả và đúng quy định. Cơ chế quản lý, điều hành có sự phân công, phân cấp rõ ràng từ tỉnh đến xã; thường xuyên đánh giá, nắm tình hình thực hiện. Đặc biệt là chú trọng ban hành văn bản giao nhiệm vụ, đôn đốc, đẩy mạnh việc giải ngân các chương trình, CSDT... Điều này góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đảm bảo đầu tư, hỗ trợ đúng, trúng đối tượng, tránh lãng phí, thất thoát.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín huyện Mường Tè năm 2023.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín huyện Mường Tè năm 2023.

Theo đó, giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị và cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả các CSDT; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế. Tăng cường quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, người có uy tín trong đồng bào DTTS, chính sách an sinh xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục; bảo đảm các điều kiện khám, chữa bệnh cho nhân dân. Xây dựng thôn, bản, khu phố, hộ gia đình văn hóa, quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh; các cấp, ngành, địa phương vào cuộc tích cực, trách nhiệm đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về công tác dân tộc, CSDT.
Triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách dân tộc
Tỉnh Lai Châu thực hiện hiệu quả nhiều đề án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN với 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và nhiều nội dung đầu tư hỗ trợ trên mọi lĩnh vực (cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, an sinh xã hội…). Các chương trình, CSDT được triển khai đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự tham gia của người dân trong việc lựa chọn đối tượng, nội dung đầu tư; hỗ trợ, giám sát quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Các nguồn vốn được bố trí kịp thời với tổng kinh phí 3.159.049 triệu đồng, trong đó vốn Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS&MN là 2.934.391 triệu đồng, vốn các đề án, chính sách là 224.658 triệu đồng. Việc triển khai thực hiện được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể; những khó khăn, vướng mắc nảy sinh được kịp thời tháo gỡ. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng dự án phù hợp với quy hoạch phát triển KTXH, điều kiện của địa phương và nhu cầu cấp thiết của đồng bào DTTS, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, nguồn vốn được sử dụng hiệu quả; đúng đối tượng hỗ trợ, đúng tiến độ.

Đời sống được nâng lên, đồng bào dân tộc Thái ở xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ) quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường sống.

Đời sống được nâng lên, đồng bào dân tộc Thái ở xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ) quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường sống.

Các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi thời gian qua đã đóng góp nguồn lực rất lớn và quan trọng cho đầu tư phát triển, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển KTXH, xóa đói giảm nghèo. Nhiều công trình, dự án về cơ sở hạ tầng KTXH được đầu tư đồng bộ; nhiều mô hình kinh tế, phát triển sản xuất được tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách cho người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy được vai trò “cầu nối” của đội ngũ này trong việc tuyên truyền, vận động dân bản noi theo, làm theo, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đồng thời, tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển KTXH, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa; bảo vệ môi trường. Khởi sắc toàn diện Với nhiều nỗ lực và quyết tâm vượt khó từ tỉnh đến cơ sở và được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, đến nay, vùng đồng bào DTTS của tỉnh khởi sắc toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là phát triển KTXH, giảm nghèo, nhất là ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn. Nếu như năm 2019, toàn tỉnh có 66 xã, 696 bản đặc biệt khó khăn thì năm 2024 giảm còn 54 xã, 557 bản. Đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững hơn (giảm trên 3%/năm). Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 23,88%. Thu nhập bình quân của đồng bào DTTS năm 2023 là 18,36 triệu đồng/người/năm, tăng 2,84 triệu đồng/người/năm so với năm 2020.Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng được tăng cường; an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; một số vấn đề tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo tồn tại qua nhiều năm được tỉnh tập trung chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Hệ thống chính trị vùng DTTS được củng cố vững chắc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ người DTTS được quan tâm thực hiện. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường, đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng vững chắc. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2024 - 2029, Lai Châu cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân tộc và CSDT trên địa bàn. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào các DTTS. Triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án, dự án về DTTS. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.Với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quan tâm chăm lo của các cấp chính quyền, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, đồng bào các DTTS trong tỉnh tiếp tục chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, hiện đại và hạnh phúc.

Trần Hữu Chí - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/kh%E1%BB%9Fi-s%E1%BA%AFc-v%C3%B9ng-%C4%91%E1%BB%93ng-b%C3%A0o-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-thi%E1%BB%83u-s%E1%BB%9145