Khơi thông các cửa ngõ chiến lược để mở rộng xuất khẩu

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các cửa ngõ chiến lược như Canada, Mexico, Chile, Peru để mở rộng xuất khẩu.

Trái bưởi Việt Nam đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh: Vũ Mạnh Hưng.

Trái bưởi Việt Nam đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh: Vũ Mạnh Hưng.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56.3%; từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023 mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023. Xuất siêu ở các thị trường này cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD, góp phần tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua. Kết quả này đã góp phần đáng kể vào thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ nói chung, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114, 5 tỷ USD.

Đại sứ Canada tại Việt Nam, ông Shawn Steil cho biết, Hiệp định CPTPP được thực thi trong vài năm qua đã chứng kiến mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Canada có mức tăng trưởng bền vững. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 giữa hai nước đã tăng trưởng gấp đôi kể từ năm 2017. Điều này là minh chứng cho những cơ hội mà Hiệp định này mang lại.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) thông tin, các nước thành viên Hiệp định CPTPP đang tiến hành rà soát tổng thể toàn bộ việc thực thi Hiệp định này nhằm tạo ra không gian hợp tác mới. Quá trình thực thi hiệp định cũng cho thấy, dư địa để tăng trưởng, trao đổi thương mại còn rất lớn, trong đó, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các nước CPTPP còn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và nhiều nền kinh tế khác cũng xin gia nhập sẽ tạo thêm cơ hội phát triển hợp tác.

Song, ông Khanh cũng cho rằng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam và các nước cần nắm rõ lợi ích cũng như cách thức tận dụng CPTPP để quan tâm hơn đến thị trường của nhau.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng cần tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường thế giới. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa; hỗ trợ DN chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.

Cùng quan điểm, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) bày tỏ, Hiệp định CPTPP đã tạo ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong việc tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, New Zealand và cũng giúp DN thích ứng với cách thức mua hàng của nhà nhập khẩu trong khối CPTPP.

Theo ông Giang, Vitas đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi cung ứng, liên kết các DN trong nước và các nhà sản xuất, đầu tư trong khối CPTPP. Cùng đó, xây dựng chiến lược phát triển đa dạng hóa thị trường, khách hàng và ứng dụng công nghệ, tự động hóa, năng lượng tái tạo để thích ứng với yêu cầu của các nước trong khối CPTPP.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, chi phí tuân thủ các quy định ngày càng tăng, do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét để gỡ khó cho DN. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, bà Xuân mong muốn hệ thống thương vụ nước ngoài và hệ thống xúc tiến thương mại của các nước kết nối với nhau để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khoi-thong-cac-cua-ngo-chien-luoc-de-mo-rong-xuat-khau-10291990.html