Khơi thông dòng chảy tài chính hỗ trợ doanh nghiệp

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 15/7, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị

Hiệu quả chính sách đã đi vào cuộc sống

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết tính đến ngày 7/7/2024, thu NSNN đạt 1.057,5 nghìn tỷ đồng, bằng 62,17% dự toán; chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, góp phần kéo dài danh mục nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội; thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết; không cấp mới bảo lãnh cho các dự án trong nước và nước ngoài.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sự nỗ lực, vượt khó không ngừng của toàn ngành Tài chính thời gian qua đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân, "tiếp sức" và tạo đà quan trọng hoàn thành thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả năm trong những tháng cuối năm 2024.

“Kết quả này là nhờ nỗ lực phấn đấu quyết liệt của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Tài chính và sự nỗ lực của các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ tài chính - NSNN”, người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế, chính sách

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, giãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp nên thực hiện trong năm nay để kết thúc một chu kỳ hơn 4 năm qua thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Mỗi năm đã giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới gần 200 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng còn lưu ý những vấn đề cần phải làm tốt hơn, trong đó có lĩnh vực đầu tư công, tốc độ giải ngân còn chậm do nhiều nguyên nhân, cần có các giải pháp tháo gỡ, khơi thông nguồn lực.

Để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra cho năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị toàn ngành tài chính tập trung tháo gỡ về thể chế, chính sách pháp luật tài chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán NSNN đề ra, đảm bảo nguồn chi cho các nhiệm vụ trong dự toán, chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trong công tác xây dựng pháp luật, người đứng đầu ngành Tài chính nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị theo thẩm quyền được giao, liên tục rà soát các luật, nghị định, thông tư, với các vấn đề còn vướng mắc, bất hợp hợp lý, còn chồng chéo để sửa đổi quy định cho phù hợp, đóng góp cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Để phấn đấu thu đạt và vượt dự toán NSNN được giao, Bộ trưởng đề nghị toàn Ngành vào cuộc, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ nền sản xuất trong nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công (nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài...).

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài,...; phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khoi-thong-dong-chay-tai-chinh-ho-tro-doanh-nghiep-153544.html