Xuất khẩu 'vàng xanh' phục hồi mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu 15 tỷ USD

Xuất khẩu gỗ và lâm sản - nguồn tài nguyên được ví như 'vàng xanh' của đất nước đang phục hồi mạnh mẽ, đạt 9,36 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất siêu đạt 7,85 tỷ USD. Đây là tín hiệu tích cực để ngành gỗ kỳ vọng đạt được mục tiêu xuất khẩu hơn 15 tỷ USD năm 2024…

Xuất khẩu “vàng xanh” phục hồi mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu 15 tỷ USD. Ảnh ST

Xuất khẩu “vàng xanh” phục hồi mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu 15 tỷ USD. Ảnh ST

Cơ hội nhiều, thách thức cũng lớn

Theo ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), trong 7 tháng đầu năm, ngành gỗ đã cho thấy kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường khi các sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%) so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế giá trị xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, sản phẩm từ gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2%; gỗ đạt 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%...

7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 9,36 tỷ USD, bằng 61,5% kế hoạch năm 2024, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu toàn ngành ước đạt 7,85 tỷ USD.

Nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao như: Thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,019 tỷ USD, tăng 24%; Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 37,92%; châu Âu (EU) đạt 555 triệu USD, tăng 22,44%...

Bên cạnh kết quả khả quan và dấu hiệu tích cực từ thị trường, nhiều chuyên gia cũng lưu ý tình hình thị trường xuất khẩu gỗ vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Trong đó, tác động của sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn diễn biến phức tạp, khó lường; giá cước vận tải tăng; tình trạng gian lận thương mại phức tạp; việc hoàn thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp vẫn còn chậm...

Phân tích cụ thể về những rủi ro từ thị trường, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) dẫn chứng, thị trường Hoa Kỳ, chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, đã chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách thương mại. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại liên tiếp; trong đó, Hoa Kỳ đã tiến hành ba vụ kiện liên quan đến ngành gỗ. Thêm vào đó, với việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, gây áp lực lớn lên chi phí và biên lợi nhuận.

Tại thị trường EU, Quy chế Chống mất rừng của Liên minh châu Âu dự kiến có hiệu lực vào tháng 12/2024, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường. Đồng thời, Đức cũng đã áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải cung cấp thêm nhiều chứng nhận liên quan đến lao động và môi trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Còn theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Viforest, hiện nay, cạnh tranh trong ngành gỗ ngày càng khốc liệt, kinh doanh cần phải tính toán, quản trị tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Hàng loạt chi phí sản xuất có thể tăng, nhưng giá bán đầu ra phải cạnh tranh, mẫu mã phải đa dạng...

Tuy nhiên, trong doanh nghiệp gỗ, vẫn còn tình trạng “mạnh ai người nấy làm”, thâm nhập vào các thị trường bên ngoài với tư cách là từng công ty chứ không phải là với tư cách một ngành hàng, một quốc gia, dẫn đến thiếu sự liên kết, phối hợp… "Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay, những hạn chế này là rào cản rất lớn mà doanh nghiệp cần phải sửa đổi sớm" - ông Ngô Sỹ Hoài lưu ý.

Đồng hành vượt khó…

Trước những khó khăn đặt ra, để thực hiện được mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD vào cuối năm 2024, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp trong ngành cần phải nỗ lực khắc phục những hạn chế nội tại, đồng thời chủ động nắm bắt tình hình, linh hoạt khai thác thị trường, đặc biệt là cần tăng cường tiếp cận các thị trường mới để giảm bớt rủi ro, phụ thuộc.

Theo Viforest, giải pháp của ngành gỗ Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên năm trụ cột chính kỹ thuật, công nghệ sản xuất, giảm phát thải, quản trị (chuyển đổi số), xúc tiến thương mại và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ.

Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, công thương cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản. Bên cạnh đó, cần tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập do cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Nhu cầu thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới khoảng 230 tỷ USD/năm, trong khi, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 6% thị phần toàn cầu, nên các doanh nghiệp còn nhiều cơ hội mở rộng.

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp

Trong đó, một số giải pháp chính được các chuyên gia, doanh nghiệp ngành gỗ đề cập như: Bộ NN&PTNT cần hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách đảm bảo gỗ hợp pháp; cập nhật thông tin chính sách từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm; thường xuyên theo dõi, tổng hợp, thu thập thông tin kịp thời về tình hình chế biến gỗ và thị trường tiêu thụ cung cấp cho các doanh nghiệp để chủ động phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả…

Doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ. Ảnh: N.Lộc

Doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ. Ảnh: N.Lộc

Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ về hoàn thuế giá trị gia tăng được nhanh chóng, kịp thời. Bộ Công Thương cần tiếp tục ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo hoạt động cho các doanh hoạt động nghiệp chân chính; đồng thời tăng cường tổ chức thực hiện hiệu quả các hội nghị giao ban, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm gỗ nhằm duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản truyền thống mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới tiềm năng như: Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ…

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp - khẳng định, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành địa phương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp để tham mưu, sửa đổi kịp thời các quy định đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ; phối hợp với các hiệp hội và doanh nghiệp để phát triển thương hiệu gỗ Việt…

Tuy nhiên, ông Bảo cũng nhấn mạnh, sự năng động, tích cực của doanh nghiệp ngành gỗ đóng vai trò quyết định, trong đó trách nhiệm trước tiên ở doanh nghiệp. Bởi theo ông Bảo, trên thực tế, nhiều chính sách cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tương đối thông thoáng, tạo điều kiện, song một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, thậm chí, tình trạng làm ăn chộp giật, không đảm bảo chất làng hàng xuất khẩu của một số doanh nghiệp đang tước đi cơ hội của chính doanh nghiệp, đồng thời làm xấu hình ảnh gỗ Việt với đối tác quốc tế./.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-vang-xanh-phuc-hoi-manh-me-huong-den-muc-tieu-15-ty-usd-33869.html