Nghĩa vụ tiết kiệm năng lượng ở doanh nghiệp sản xuất

Đó là vấn đề được bàn luận tại tọa đàm 'Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách', diễn ra ngày 19/8.

Tiết kiệm năng lượng ở doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong năm 2023 và đặc biệt là 7 tháng năm 2024, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam rất cao, đặc biệt tăng trưởng về điện.

"Năm 2023 chỉ đạt được 4,29%, tuy nhiên trong 7 tháng năm 2024, tăng trưởng về điện đã đạt ở mức khoảng độ 14%", ông Dũng nói và cho hay, tỷ trọng của các ngành sản xuất trong cơ cấu về thương phẩm, sản lượng chiếm tới 51%. Vì thế, sử dụng năng lượng tiết kiệm tại khu vực sản xuất có tác động rất lớn tới vấn đề sử dụng điện tiết kiệm đối với toàn xã hội và đảm bảo vấn đề cung cấp đủ điện cho toàn xã hội.

Tỷ trọng của các ngành sản xuất trong cơ cấu về điện thương phẩm, sản lượng chiếm tới 51%. Ảnh: Hồng Hạnh.

Tỷ trọng của các ngành sản xuất trong cơ cấu về điện thương phẩm, sản lượng chiếm tới 51%. Ảnh: Hồng Hạnh.

Hiện cả nước có khoảng 3.068 cơ sở, doanh nghiệp (theo danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021) có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 tấn dầu quy đổi hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên.

Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.

Song, ông Dũng cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp nhận thức về vấn đề tiết kiệm điện còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực, chưa tiếp cận được những công nghệ, khó khăn về mặt tài chính…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất dẫn tới việc vẫn còn sử dụng năng lượng một cách lãng phí.

Hiện chính sách giá điện của Việt Nam đang thực hiện theo Quyết định 28, theo đại diện EVN, dù giá phụ thuộc vào các cấp điện áp, nhưng giá giờ bình thường của sản xuất chỉ chiếm khoảng 84-92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52-59% giá bình quân.

"Với giá điện thấp như vậy, việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng chưa được quan tâm một cách thực sự", ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Công thương.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Công thương.

Luật còn mang tính khuyến khích

Thời gian qua, nhiều chính sách đã được ban hành, đặc biệt là từ 2010 có Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến thời điểm này, đã có khoảng 16 thông tư, 2 nghị định và 2 quyết định Thủ tướng cũng như khoảng 34 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành liên quan đến tiết kiệm năng lượng.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 280 với chương trình mục tiêu quốc gia, tiết kiệm năng lượng từ 7-10% đến năm 2025 và đến 2030, phải tiết kiệm được khoảng 10% so với kịch bản tiêu thụ năng lượng bình thường.

Ngày 8/6/2023, Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, yêu cầu giai đoạn này cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Việc thực hiện tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất là một nhiệm vụ quan trọng được đề cập trong Chỉ thị.

Theo nghiên cứu sơ bộ của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hóa quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều.

Thế nhưng, việc thực hiện còn hạn chế, theo các chuyên gia, là do nhiều quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ năm 2011 còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh; việc triển khai thi hành luật vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Do đó, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết Netzero, việc xem xét sửa đổi luật theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Tại dự thảo luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) mới nhất, một trong 5 nhóm chính sách được tập trung đề xuất là nhóm chính sách liên quan đến quản lý năng lượng, bao gồm việc xem xét điều chỉnh mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng; bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng nghiên cứu cơ chế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm hiệu suất cao hơn có tính định hướng thị trường, từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị, sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất thấp, qua đó góp phần cùng với những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp giải quyết bài toán công nghệ...

Ông Đặng Hải Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương). Ảnh: Công thương.

Ông Đặng Hải Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương). Ảnh: Công thương.

Doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động

Ông Đặng Hải Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi luật để "siết" các quy định thì doanh nghiệp cũng cần thay đổi để bắt kịp với xu hướng thị trường thế giới hiện nay là bảo vệ môi trường.

Ông Dũng dẫn chứng, từ năm 2026, châu Âu sẽ bắt đầu đánh thuế. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu.

Vì vậy, rõ ràng đang có những thách thức mà ở thị trường ngoài nước đặt ra buộc chúng ta phải thay đổi.

"Việc tiết kiệm năng lượng cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường nếu chúng ta tiếp cận sớm, chuẩn bị trước trong quá trình sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kinh doanh", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, bên cạnh những giải pháp về quản lý, hiện Bộ Công thương đưa ra rất nhiều chương trình để hỗ trợ cho doanh nghiệp, như là: chương trình về kiểm toán năng lượng miễn phí; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; hoặc là các chương trình liên quan đến bảo lãnh vốn vay.

"Hiện chúng tôi đang thí điểm một vài quỹ, một vài công cụ tài chính nguồn vốn vay... để giúp doanh nghiệp tiếp cận đầu tư cho tiết kiệm năng lượng", ông Dũng nói.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghia-vu-tiet-kiem-nang-luong-o-doanh-nghiep-san-xuat-192240819171316749.htm