Khơi thông dòng vốn để kinh tế tư nhân 'cất cánh'

Theo các chuyên gia, việc huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, là nền tảng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững. Để thực hiện điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa nhà nước, hệ thống tài chính - ngân hàng, các nhà đầu tư và bản thân doanh nghiệp.

Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện chiếm khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng, tương đương gần 7 triệu tỷ đồng. Doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất vay thương mại dao động 9 - 11%/năm, cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung ở ASEAN là 6 - 7%. Theo khảo sát của VCCI năm 2023, có 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gặp trở ngại khi vay vốn, do không có tài sản đảm bảo hoặc không đủ tiêu chuẩn hồ sơ tài chính.

Đó là những số liệu được PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đưa ra tại tọa đàm tổ chức vừa qua về kinh tế tư nhân và động lực vươn mình từ Nghị quyết 68.

Lực cản ‘vươn mình’ của khu vực tư nhân

Những số liệu trên đã phơi bày thực trạng về nguồn vốn của doanh nghiệp hiện nay. Không phải là “đòn bẩy” hay “động lực” - các chuyên gia gọi dòng vốn là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất, khiến khu vực tư nhân, đặc biệt là các DNNVV chưa thể "cất cánh".

Việc huy động vốn cho khu vực kinh tế tư nhân hiện còn vướng nhiều điểm nghẽn.

Việc huy động vốn cho khu vực kinh tế tư nhân hiện còn vướng nhiều điểm nghẽn.

Theo PGS.TS Nghiêm Thị Thà, dù Nghị định 13/2023/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm Fintech trong ngân hàng đã có hiệu lực, nhưng kết quả triển khai vẫn còn hạn chế.

Không chỉ kênh vốn ngắn hạn từ ngân hàng, tình hình cũng không khá hơn ở kênh vốn dài hạn. Cụ thể, khu vực kinh tế tư nhân chỉ huy động được khoảng 13% vốn qua thị trường chứng khoán. Đây là con số khiêm tốn so với mức 40 - 60% ở các nước phát triển.

Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm cũng còn ít, chỉ khoảng 30 quỹ đang hoạt động và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ, trong khi các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics vẫn “khát vốn”.

Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án đối tác công tư (PPP) cũng rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số dự án công trong giai đoạn 2016 - 2023.

PGS.TS Nghiêm Thị Thà chỉ ra, điểm nghẽn huy động vốn cho khu vực kinh tế tư nhân xuất phát từ việc hệ thống pháp lý thiếu đồng bộ, các kênh huy động chưa đa dạng, chính sách khuyến khích đầu tư tài chính dài hạn và vốn mạo hiểm chưa đủ hấp dẫn, thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và công cụ đánh giá năng lực tài chính.

Đồng tình quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chỉ ra, cơ cấu dòng tín dụng hiện nay đang lệch pha với nhu cầu phát triển.

Theo ông, hiện có đến 20% tín dụng đổ vào bất động sản, một tỷ lệ tương đương cho tiêu dùng, trong khi gần như toàn bộ tín dụng phục vụ sản xuất lại thuộc về khu vực tư nhân. Câu hỏi đặt ra là: Nếu tín dụng được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, thì dòng chảy hiện tại liệu có thực sự hợp lý?

Ông Việt cũng đặt vấn đề: “Cần nhìn lại dòng tín dụng đó có tạo ra sản xuất thực, tiêu dùng thực hay không. Hay đang bị nghẽn ở cả đầu cung và đầu cầu?”.

Theo vị chuyên gia, kết nối giữa tín dụng và nhu cầu thực tế của thị trường là điều còn thiếu và cần được tháo gỡ.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thậm chí cảnh báo, cấu trúc tài chính của Việt Nam hiện nay mang ‘dáng dấp’ tương tự các nền kinh tế Đông Nam Á từng quá tập trung vào bất động sản, bóp nghẹt các doanh nghiệp sản xuất và làm lệch lạc ưu tiên phát triển của nền kinh tế.

Ông nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân không đủ nguồn lực để đầu tư cho nghiên cứu – phát triển nếu không có cơ chế hỗ trợ mạnh từ nhà nước như các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản... từng thực hiện. Nếu không thay đổi sẽ rất khó xây dựng được một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và bền vững.

Doanh nghiệp không chỉ cần khoản vay

Trong bối cảnh Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ban hành hôm 4/5 đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, các chuyên gia cho rằng, khơi thông các dòng vốn cho khu vực này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là chiến lược then chốt để phát triển nền kinh tế trong giai đoạn mới.

Tổng thư ký VFCA nhìn nhận, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách tài chính, thông qua việc xây dựng luật hoặc nghị định riêng về tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, cần sửa đổi các luật liên quan như Luật Hỗ trợ DNNVV 2017, bổ sung cơ chế bảo lãnh tín dụng, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chuyên gia cũng cho rằng cần thiết thành lập Quỹ Phát triển tài chính tư nhân quốc gia nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi dài hạn. Bên cạnh đó, phát triển các kênh huy động vốn đa dạng hơn, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư tư nhân theo mô hình “matching fund” – đối ứng giữa nguồn vốn công và tư, tương tự như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Đặc biệt, cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo gồm trung tâm ươm tạo, quỹ thiên thần, dịch vụ tư vấn pháp lý – tài chính và ứng dụng công nghệ tài chính như P2P lending, eKYC, gọi vốn cộng đồng một cách hiệu quả và có kiểm soát.

Theo PGS.TS Nghiêm Thị Thà, hợp tác công - tư (PPP) cũng là một trụ cột quan trọng, do đó cần rà soát lại Luật PPP và các nghị định hướng dẫn để đơn giản hóa thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tư nhân.

“Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đã chứng minh nếu có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng thì PPP hoàn toàn có thể thành công. Ngoài hạ tầng giao thông, cần thí điểm PPP trong các lĩnh vực xã hội thiết yếu như giáo dục, y tế và xử lý nước thải với quy mô phù hợp”, bà Thà gợi ý.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý vốn chỉ là một phần của bài toán lớn. Các chuyên gia đều đồng thuận rằng, bên cạnh việc tháo gỡ các rào cản về vốn, giải pháp mang tính nền tảng chính là xây dựng một môi trường thể chế minh bạch, bình đẳng - nơi doanh nghiệp có thể phát triển bền vững dựa trên chính năng lực nội tại của mình. Nếu không, ngay cả khi dòng vốn được khơi thông, doanh nghiệp cũng khó có thể phát huy tối đa năng lực và sức cạnh tranh thực sự.

Từ góc nhìn hội nhập quốc tế, Luật sư Bùi Văn Thành, nêu rõ một trong những yêu cầu của Mỹ đối với Việt Nam trong các cuộc đàm phán thương mại là cần xóa bỏ các hình thức trợ cấp không phù hợp. “Chúng ta cần nhận ra rằng cách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp chính là tạo ra môi trường để họ tự đứng vững, tự vươn lên - chứ không phải chờ hỗ trợ từ các khoản vay hay ưu đãi một chiều”.

Cùng quan điểm, TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh, khu vực tư nhân cần được tự do và bình đẳng để làm tốt công việc của mình. Một thực tế được ông chỉ ra là nhiều doanh nghiệp trong nước, khi phát triển đến một mức độ nhất định, lại chuyển sang hình thức FDI để được hưởng ưu đãi - cho thấy sự thiên lệch, tâm lý “tiếp khách”, tiếp đón nhà đầu tư ngoại nồng nhiệt hơn doanh nghiệp nội vẫn còn tồn tại.

Hiện Chính phủ đã xây dựng xong và trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo thể chế hóa 5 nhóm chính sách lớn, một trong số đó là nhóm hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua đối với dự thảo Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên

Năng lực nội tại của doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV vẫn còn yếu về tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế. Việc tiếp cận các nguồn vốn cho tăng trưởng, nguồn vốn phát triển xanh, vẫn còn nhiều khó khăn… Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ra đời đã tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, khi đã đề cập được những giải pháp mang tính căn cơ, cốt lõi tháo gỡ điểm nghẽn trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Nguyễn Trãi

Nghị quyết 68 với nội dung ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là DNNVV, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… đầu tư vào máy móc, công nghệ, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là một bước đi đúng đắn, phản ánh xu thế tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc cụ thể hóa tiêu chí và mức độ ưu tiên. Nếu không có ranh giới rõ ràng, dễ rơi vào tình trạng “ưu đãi dàn trải”, thiếu trúng đích và khó đo lường hiệu quả.

Ông Trần Hoàng Ngân, ĐBQH, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW là một bước đột phá trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Cần sớm thể chế hóa Nghị quyết, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận mọi nguồn lực của quốc gia một cách thuận lợi nhất với nhiều ưu đãi nhất. Có như vậy, khu vực kinh tế tư nhân mới có hiện thực hóa được Nghị quyết, biến khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của đất nước vào năm 2030.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khoi-thong-dong-von-de-kinh-te-tu-nhan-cat-canh-1106777.html