Khơi thông nguồn lực cho công nghiệp văn hóa

Giống như mạch nước, muốn tạo ra dòng chảy phải được khơi thông, sự phát triển công nghiệp văn hóa đang vướng phải không ít điểm nghẽn.

Các ngành văn hóa không chỉ là những ngành tiêu tiền mà còn là ngành tạo ra nguồn lực cho xã hội. Đây là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) ở Việt Nam và đó không phải nhiệm vụ bất khả thi khi không ít ngành văn hóa đã mang lại lợi ích lớn về kinh tế. Thế nhưng, giống như mạch nước, muốn tạo ra dòng chảy phải được khơi thông, sự phát triển CNVH đang vướng phải không ít điểm nghẽn.

Quan điểm các ngành CNVH “chỉ biết tiêu tiền” không phải bây giờ mới được đề cập. Thực tế là trong nhiều năm qua, có không ít trường hợp tiền đầu tư cho một số lĩnh vực CNVH đã không được khai thác, phát huy đúng giá trị dẫn đến lãng phí, thậm chí còn bị coi “ném tiền qua cửa sổ”. Như với điện ảnh, nhiều bộ phim nhà nước đặt hàng với số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng sau khi sản xuất không bán nổi chục vé, chiếu cho có lệ vài lần rồi cất kho (?!). Gần đây nhất có 3 bộ phim nhà nước đặt hàng là Đào, phở và piano; Hồng Hà nữ sĩPhơi sáng đều được đánh giá cao về chất lượng, nội dung nhưng đến nay vẫn chưa thể có lịch chiếu.

 Đạo diễn Phi Tiến Sơn trên phim trường Đào, phở và piano

Đạo diễn Phi Tiến Sơn trên phim trường Đào, phở và piano

Tuy nhiên, quan điểm nói trên cũng chỉ mang tính phiến diện, bởi CNVH đang ghi nhận sự gia tăng ổn định và mạnh mẽ. Năm 2021, ngành CNVH đóng góp 3,92% GDP, năm 2022 là 4,04% và dự kiến đến năm 2030 con số này sẽ là 7%. Thông tin từ Bộ VH-TT-DL cho thấy, giá trị sản xuất của các ngành CNVH giai đoạn 2018-2022 đạt 1,059 triệu tỷ đồng (khoảng 44 tỷ USD). Những dẫn chứng trên minh chứng một thực tế, các lĩnh vực văn hóa không phải chỉ biết tiêu tiền mà tiềm năng, nội lực của nó đã và đang tạo ra những giá trị kinh tế thiết thực, cụ thể.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã xem CNVH là chiến lược để cải thiện sức cạnh tranh, năng suất, việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững. Không những vậy, CNVH đang trở thành công cụ thúc đẩy hội nhập xã hội, quảng bá văn hóa và là nguồn thông tin, kiến thức cho con người. Với đặc tính năng động đó, CNVH giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp khác cùng phát triển. Quan trọng không kém, câu chuyện về tính bản địa, dấu ấn và bản sắc văn hóa trở thành chìa khóa để tạo nên sự khác biệt cho mỗi cá nhân, và rộng hơn là góp phần tạo nên thương hiệu quốc gia.

Để đóng góp của các ngành CNVH mang tính thiết thực, hiệu quả, bên cạnh xác định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, phải xem nó là một ngành kinh tế. Từ năm 2019, lĩnh vực điện ảnh đã vượt gần 20% so với chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thế nhưng, phải đến năm 2023, trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) mới được công nhận là ngành kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.

Kêu gọi phát triển CNVH trước hết phải tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, với các cơ chế chính sách đồng bộ từ trung ương cho đến các bộ, ngành, vùng miền, địa phương. CNVH vốn là lĩnh vực đặc thù nên càng không thể áp đặt như các lĩnh vực khác, mà phải có cơ chế chính sách riêng. Chiến lược phát triển văn hóa cũng không thể tách rời với các lĩnh vực khác.

Để các ngành CNVH phát huy hết tiềm năng, nội lực và tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn cần phải có sự đầu tư tương xứng về: hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, nguồn nhân lực... Việc “tiêu tiền” cho CNVH phải được xác định đúng nơi, đúng chỗ, đúng mũi nhọn để tạo ra giá trị, lợi ích góp phần trực tiếp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Việc huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển CNVH cần có sự đánh giá công bằng, tạo điều kiện tối đa nhưng phải đảm bảo các bên cùng có lợi và cùng được hưởng lợi.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khoi-thong-nguon-luc-cho-cong-nghiep-van-hoa-post722604.html