Khơi thông nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tổ chức thực thi hiệu quả Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa hơn lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đưa đất đai là nguồn lực quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp NGUYỄN VĂN HIỂN nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm.

Bước tiến quan trọngso với Luật Đất đai 2013

- Thưa ông, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm khi có hiệu lực sẽ có ý nghĩa, tác động thế nào đến kinh tế - xã hội trong thời gian tới?

- Luật Đất đai (sửa đổi) là một đạo luật lớn, được Chính phủ chuẩn bị, soạn thảo rất công phu, khoa học, kỹ lưỡng và tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tại 7 phiên họp; Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 4 kỳ họp. Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết kỹ lưỡng quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng chính sách trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, của Quốc hội; thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Quá trình hoàn thiện Luật đã được đầu tư nhiều công sức, trí tuệ không chỉ của các cơ quan tham gia trực tiếp vào quy trình lập pháp, như Chính phủ, Quốc hội mà còn có sự tham gia của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, có thể khẳng định, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua là văn bản Luật có chất lượng tốt, kế thừa và có bước tiến quan trọng so với Luật Đất đai năm 2013.

Đây là đạo luật tác động sâu sắc đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống như: kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng…; tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Do vậy, Luật được thông qua sẽ góp phần quan trọng tạo nền tảng pháp lý đầy đủ, hoàn thiện, phù hợp hơn trong việc tiếp tục cụ thể hóa chế định sở hữu toàn dân về đất đai được Hiến pháp năm 2013 quy định; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai ở nước ta. Việc ban hành và tổ chức thực thi hiệu quả Luật này sẽ là một trong những công cụ quan trọng góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa hơn lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, góp phần đưa đất đai là nguồn lực quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước trong giai đoạn tới.

- Là cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thường xuyên tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, hội thảo và tọa đàm góp ý với các dự án Luật, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Qúa trình tiếp thu, lấy ý kiến chuyên gia của Viện Nghiên cứu lập pháp với dự án Luật rất khó, đồ sộ và phức tạp này như thế nào, thưa ông?

- Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp đã khẩn trương phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, tổ chức khoa học huy động các chuyên gia trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức (tổ chức các phiên họp góp ý của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức các tọa đàm, hội thảo khoa học, tham vấn độc lập ý kiến chuyên gia…) để góp ý vào nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn khó, phức tạp của dự án Luật như: tài chính đất đai, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, giải quyết tranh chấp đất đai…

Các ý kiến góp ý của Hội đồng khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học có chất lượng rất tốt, tính khoa học, phản biện và trách nhiệm cao, được Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp, chắt lọc trình Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội. Các ý kiến góp ý trên đã trở thành nguồn thông tin tham khảo hữu ích, có chất lượng và là một “kênh” quan trọng trong việc góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, huy động sự tham gia, trí tuệ, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật; đồng thời góp phần ngày càng tích cực vào việc phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội nói chung.

Nhiều chính sách mới, đột phá

- Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá là có nhiều điểm mới, đột phá. Đây là những nhóm nội dung mới nổi bật nhằm thể chế hóa rõ nét Nghị quyết số 18-NQ/TW, thưa ông?

- Như chúng ta đã biết, Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa khá đầy đủ, toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó có nhiều chính sách mới, có tính đột phá nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Tôi xin nêu một vài điểm như sau:

Thứ nhất, Luật quy định các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên (Chương V, từ Điều 60 đến Điều 77).

Thứ hai, hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đật; các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định (Chương IX, từ Điều 116 đến 127).

Thứ ba, quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, căn cứ, điều kiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất... (Chương VI, từ Điều 78 đến Điều 90; Chương VII, từ Điều 91 đến Điều 111).

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, trong Luật cũng quy định cụ thể các phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất cụ thể; trách nhiệm của Chính phủ trong việc quy định phương pháp định giá đất khác chưa được quy định tại Điều 158 của Luật; trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ về nội dung này (Điều 158);

- Theo ông, thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần làm gì đề những điểm mới, tiến bộ của Luật sớm đi vào cuộc sống?

- Theo tôi được biết, ngay trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ cũng đã tích cực chuẩn bị các giải pháp để khi Luật được Quốc hội thông qua thì sớm được tổ chức thực thi hiệu quả trong thực tiễn. Trong đó, việc thông tin, phổ biến, quán triệt, tổ chức thi hành đạo luật này phải có kế hoạch thật chi tiết để triển khai khẩn trương, đồng bộ các nội dung của Luật.

Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 77 điều khoản có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết (chẳng hạn như khoản 5 Điều 9, khoản 9 Điều 16, khoản 3 Điều 28, khoản 4 Điều 50, khoản 1 Điều 55, khoản 6 Điều 65,...). Như vậy, số lượng các vấn đề do Chính phủ, Bộ, ngành được Luật giao ban hành là khá lớn. Điều này đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Do đó, sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành cần khẩn trương sớm ban hành văn bản quy định chi tiết những điều khoản được giao trong Luật, đồng thời phổ biến thông tin, hướng dẫn, tổ chức thi hành Luật để bảo đảm thi hành kịp thời, hiệu quả, thống nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Trang thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khoi-thong-nguon-luc-dat-dai-thuc-day-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-i359373/