Khơi thông nguồn lực tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) chiều 31/10, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian tới còn không ít khó khăn, do đó, cần khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp thông qua chính sách tiền tệ, đồng thời có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Quốc hội, Chính phủ năng động, kiến tạo trong khó khăn

9 tháng qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao. Trong khi đó, thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỷ đồng. Bội chi NSNN và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh), đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) và một số đại biểu đánh giá cao kết quả về KT-XH đạt được trong thời gian qua. Theo các đại biểu, mặc dù tình hình Covid-19 chưa có trong tiền lệ lịch sử, bối cảnh khu

vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhưng nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Nền tảng kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo, thể hiện rất rõ Quốc hội, Chính phủ năng động, kiến tạo, hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, được cử tri, nhân dân đồng thuận, tín nhiệm cao.

Thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao. Trong khi đó, thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội.

Các đại biểu đánh giá, cân đối NSNN được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết như phòng, chống dịch Covid-19, triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn các loại thuế, phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương. Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), nửa nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã ban hành 37 luật, nghị quyết làm cơ sở cho Chính phủ ban hành khoảng 264 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành khoảng 71 quyết định, tạo khung pháp lý thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã bình tĩnh, tự tin, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT-XH và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Các chính sách phải nâng đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng, đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân đối với 5/15 chỉ tiêu KT - XH chủ yếu của năm 2023 dự kiến không đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7% (quý IV/2022 tăng 5,92%); kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Đây là mục tiêu đòi hỏi nỗ lực rất lớn, đề nghị cân nhắc, dự báo sát tình hình để có giải pháp cụ thể.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về các chỉ tiêu không đạt. Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá kỹ hơn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp phù hợp đối với 5 chỉ tiêu ước cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội. Chỉ tiêu này đã 3 năm liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, có giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Đồng tình với 12 nhóm giải pháp chủ yếu Chính phủ đưa ra trong báo cáo trình Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) và một số đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp, lộ trình cụ thể hơn trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH.

Đại biểu ví dụ, về tăng trưởng tín dụng và nợ xấu nội bảng, tăng trưởng tín dụng đến 11/10/2023 đạt 6,29% so với năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu, trường hợp tăng trưởng tập trung vào bất động sản trong giai đoạn này sẽ kéo theo gia tăng nợ xấu, khi phần cung bất động sản đang dư thừa, thị trường bất động sản đang trầm lắng, niềm tin vào thị trường bất động sản sụt giảm.

Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp thông qua nới lỏng điều kiện vay vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ vấn đề này, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay, có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam), hiện nay doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khả năng tiếp cận vốn vay, nhất là các khoản vay trung, dài hạn do điều kiện vay nghiêm ngặt, chỉ tiếp cận các khoản vay ngắn hạn. Doanh nghiệp vay vốn khó khăn, hàng tồn kho lớn, trong khi đơn hàng ít, hàng tồn kho và luân chuyển chậm. Do đó, cần có giải pháp đột phá đề khơi thông nguồn vốn, nới lỏng các điều kiện cho vay vốn, hạ tiêu chuẩn đánh giá để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi, trả nợ./.

ĐẠI BIỂU TRẦN CHÍ CƯỜNG (ĐÀ NẴNG):

Hạ lãi suất, nới điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

Đại biểu Trần Chí Cường

Đại biểu Trần Chí Cường

Tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 2023 đã phục hồi tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại, lãi suất cho vay còn cao, cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn vay vốn...

Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với gói 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Một trong những chính sách được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp được giảm bớt khó khăn về vốn, nhưng được đánh giá không khả thi, mới giải ngân được 781 tỷ đồng, bằng 1,95%, còn hơn 39 nghìn tỷ đồng.

Các yếu tố trên cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, sự tiếp cận nguồn vốn trở nên hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở hoàn cảnh hiện tại.

Bên cạnh việc xem xét hạ lãi suất, thì cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế. Điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế phục hồi nhanh chóng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.

ĐẠI BIỂU NGUYỄN ĐẠI THẮNG (HƯNG YÊN):

Đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng

9 tháng năm 2023 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình KT-XH nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức như trong báo cáo của Chính

phủ đã chỉ ra. 3 động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá và chưa thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển KT-XH những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Phải

coi đây là nguồn lực, là động lực để phát triển KT-XH. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan có giải pháp để tháo gỡ kịp thời bố trí nguồn ngân sách lập dự án đầu tư, bảo đảm khi được bố trí vốn đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án thuận lợi và triển khai được ngay.

ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ NGỌC XUÂN (BÌNH DƯƠNG):

Phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong đầu tư công

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân

Tôi đặc biệt quan tâm và ấn tượng đối với sự quyết liệt, mạnh mẽ, kiên định, kiên trì đổi mới cách nghĩ, cách làm vì Nhân dân của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, trung ương. Minh chứng là thời gian qua đã tháo gỡ nhiều khó khăn về thể

chế chính sách, tháo gỡ cho hạ tầng, công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đưa nhiều dự án quan trọng đi vào vận hành, khởi động sau rất nhiều năm gián đoạn, có cả dự án kéo dài 20 năm như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Vân Phong 1, Sông Hậu 1...

Cử tri hoàn toàn ủng hộ Chính phủ trong cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được chỉ rõ trong báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp.

Qua lắng nghe cử tri, tôi kiến nghị Chính phủ phải có kế hoạch và danh mục chi tiết, tập trung hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực đầu tư công, đồng thời cần nghiên cứu phân cấp mạnh hơn và ban hành kịp thời các tiêu chuẩn, định mức liên quan đến đầu tư công, để địa phương thực hiện.

Đồng thời, cử tri đồng thuận cao với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá lại tổng thể phân bổ nguồn lực và các điều kiện đảm bảo cho chính quyền địa phương, trong đó xem xét việc phân bổ biên chế hành chính và ngân sách nhà nước cho phù hợp hơn với những việc được phân cấp và với từng loại hình chính quyền địa phương để báo cáo Quốc hội và kiến nghị Trung ương quyết định vấn đề này một cách hợp lý hơn./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-thong-nguon-luc-tang-truong-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-kho-138615.html