Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Dù vậy, việc tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh vấn đề về thị trường, giải pháp tài trợ, cấp vốn và giảm thiểu rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu là rất quan trọng.

Theo TS. Cấn Văn Lực. Đồ họa: Văn Chung

Theo TS. Cấn Văn Lực. Đồ họa: Văn Chung

Doanh nghiệp đối mặt với đơn hàng sụt giảm

Ngày 20/7, tại Hội thảo “Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, nửa cuối năm 2022 và đầu 2023, hoạt động xuất khẩu đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.

Các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam chịu ảnh hưởng của lạm phát tăng cao và suy giảm nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, như Hoa Kỳ, EU đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trên thực tế, 6 tháng đầu năm 2023 là thời gian nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức do tác động bất lợi của kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chậm lại có nguyên nhân DN gặp khó khăn, xuất khẩu giảm sút do thiếu đơn hàng.

Bố trí vốn để đầu tư nguyên, vật liệu

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thảo - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của ASEAN Buisiness Partner, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là vốn. Doanh nghiệp cần chuẩn bị càng nhiều vốn lưu động càng tốt để sẵn sàng đầu tư nguyên vật liệu, thiết bị công nghệ phục vụ các đơn hàng sản xuất xuất khẩu.

GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 do ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 thời điểm đó). Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm".

Trước bối cảnh nêu trên, tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất quan điểm cần có giải pháp trợ lực cho DN phục hồi phát triển thông qua việc nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu và khả năng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể khai thác và tận dụng tốt hơn các lợi ích từ FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bên cạnh việc tận dụng được lợi thế từ các FTA, tìm kiếm thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, ông Bùi Trung

Nghĩa cho rằng, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần có giải pháp tài trợ, cấp vốn cho xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu.

 Thiếu vắng đơn hàng, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp thành lập. Vì vậy, rất cần có giải pháp trợ lực trong 6 tháng cuối năm 2023. Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Thiếu vắng đơn hàng, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp thành lập. Vì vậy, rất cần có giải pháp trợ lực trong 6 tháng cuối năm 2023. Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

“Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, VCCI cũng đang triển khai hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận và tăng cường các nguồn, các giải pháp về tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các DN. Trong thời gian qua, VCCI hợp tác với một số ngân hàng trong đó có các ngân hàng lớn như BIDV, VPBank… hay Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa và các tổ chức hỗ trợ DN để thực hiện những hoạt động kết nối giữa các tổ chức tài chính với DN”- ông Nghĩa cho biết.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn

Tại hội nghị, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực đề xuất giải pháp khơi thông nguồn vốn cho DN xuất khẩu.

TS. Cấn Văn Lực phân tích, tại Việt Nam hiện có 6 nguồn vốn dành cho DN, gồm: ngân sách; vốn nước ngoài; huy động từ thị trường vốn; đối tác; vốn tín dụng, bảo lãnh và cho thuê tài chính; vốn tự có, vốn góp. Trong đó, vốn tín dụng vẫn là kênh huy động lớn nhất của các DN nhỏ và vừa, chiếm 48,71% còn lại được huy động từ các nguồn khác.

Chính phủ cũng đã ban hành những chính sách hỗ trợ DN, trong đó có chính sách tài khóa, như: Chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2015- 2023; Quyết định thành lập Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa; chính sách ưu tiên tín dụng của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2016 đến nay…

Dù vậy, việc tiếp cận nguồn tài chính của DN nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn. Vị chuyên gia này đưa ra thông tin, cuối tháng 5/2023 dư nợ DN khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, tăng 4,66% so với cuối năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế.

“Dư nợ của khối DN nhỏ và vừa đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 19,5% dư nợ của nền kinh tế. Con số này là thấp” - TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Ông Lực cho rằng, hoạt động xuất khẩu nửa đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thực trạng này không chỉ Việt Nam gặp phải mà một số nước sản xuất gia công hàng xuất khẩu nhiều như Bangladesh, Philippin... cũng tương tự.

Hiện nay, xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, một số DN dệt may, gỗ, điện tử bắt đầu có đơn hàng quay trở lại tuy chưa thường xuyên và chưa lớn. Để có thể có thể bắt kịp đơn hàng mới, DN cần chuẩn bị nhanh một số điều kiện, trong đó vốn là rất quan trọng. “Phương thức hỗ trợ vốn trên nền tảng công nghệ số tương đối mới và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Thông qua nền tảng công nghệ, chi phí chiết khấu sẽ giảm và công khai minh bạch hơn” - TS. Cấn Văn Lực nói.

Tăng khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn, xung đột Nga - Ucraina chưa có hồi kết; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia; giá xăng dầu, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn...

Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ...

Điều đó đang đặt ra yêu cầu cho các DN Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu” - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Về phía VCCI, ông Hoàng Quang Phòng đề xuất Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn các giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển DN.

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của DN những tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, VCCI đã đề xuất một số giải pháp lớn cần thực hiện. Cụ thể, thứ nhất, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh.

Thứ hai, tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ ba, cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Thứ năm, đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-thong-nguon-von-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-132415-132415.html