Khói thuốc vương trên quần áo cũng độc
Những con chuột thí nghiệm đã bị tổn thương gan, não và tăng đường huyết lên đến 30% chỉ sau vài tháng được cho ngửi quần áo vương mùi khói thuốc lá.
Khói thuốc lá thường vương lại trên quần áo, thảm, các đồ nội thất, vật dụng… của người hút thuốc và ở những căn phòng có người từng hút thuốc bên trong. Nhiều người tỏ ra khó chịu vì thứ mùi "ám khói" trong những đồ đạc này nhưng ít ai nghĩ rằng ngửi chúng cũng được xem là một hình thức hút thuốc lá thụ động.
Khái niệm "third-hand smoke" - THS, tức hút thuốc lá lượt thứ ba đã được đề cập nhiều trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Clinical Science. Giáo sư Manuela Martins-Green, nhà sinh học tế bào đến từ Đại học California (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu đã khẳng định: chỉ cần tiếp xúc với lượng khói thuốc bị ám vào đồ đạc cũng đủ để các nguy cơ sức khỏe, cụ thể là các tổn thương gan, não, bệnh tiểu đường, bệnh ung thư…
Các con chuột trong thí nghiệm đã được cho tiếp xúc thường xuyên với vải ám khói thuốc lá. Trong vòng một tháng đầu, những con chuột đã xuất hiện sự gia tăng các protein kích hoạt sự viêm trong máu đến 50% so với các con chuột được nuôi trong môi trường lành mạnh. Tháng thứ hai, nhóm nghiên cứu phát hiện các tế bào bị tổn thương trong gan và não chúng đã tăng dần. Tháng thứ tư, mức đường huyết của chúng tăng lên 30% và xuất hiện sự đề khác insulin rõ rệt - những dấu hiệu nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2.
Các nhà khoa học nói rằng nghiên cứu này chỉ mới là bước đầu trong việc chứng minh tác hại của THS - thứ họ gọi là "độc tố tàng hình". Vì vòng đời của con người dài hơn chuột gấp nhiều lần, nên những ảnh hưởng do THS cũng có diễn tiến chậm hơn rất nhiều. Họ sẽ tiếp tục đối chiếu các dữ kiện và nghiên cứu rõ ràng hơn trên con người.
THS có thể tồn tại trên các bề mặt trong nhiều năm, nhất là tích tụ trong tóc, da và quần áo của người hút thuốc. Chúng có thể trộn lẫn với bụi, lắng đọng trên các bề mặt, xuyên qua vất liệu xốp như ván lát sàn, tường thạch cao. Chúng cũng có thể kết hợp các chất gây ô nhiễm trong nhà, ví dụ như ozone và nitrous acid, tạo ra các hợp chất có khả năng làm tổn thương DNA và dẫn đến ung thư.
Mội nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay cũng tập trung vào tác hại của THS đến trẻ em. Các em bé phải vào bệnh viện vì tiếp xúc khói thuốc thụ động chỉ vì chúng đã đọc những quyển sách bám đầy nicotine mà cha mẹ chúng trước đó vừa đọc vừa hút thuốc.