Khơi tình yêu văn hóa truyền thống qua bộ sách 'Vang danh nghề cổ'
Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 tại Phố sách Hà Nội, chiều 19-4, Nhà Xuất bản Kim Đồng phối hợp với Dự án sách Nhà Mình tổ chức giao lưu ra mắt bộ sách 'Vang danh nghề cổ - Khám phá những làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam'.

Các tác giả, họa sĩ giao lưu, chia sẻ về bộ sách. Ảnh: Đình Trung
Bộ sách “Vang danh nghề cổ do Nhà Xuất bản Kim Đồng ấn hành, hiện có 10 tập. Theo hành trình của cô bé An – nhân vật chính trong mỗi tập, độc giả có những chuyến đi khám phá khắp mọi miền đất nước. Mỗi tập là những lát cắt sống động về lịch sử hình thành phát triển và quy trình độc đáo của từng làng nghề, như làm giấy dó, làm gốm, đúc đồng, làm lụa, làm trống, chạm bạc, làm mộc, làm nước mắm, nghề rèn, làm thúng chai.
Với mục tiêu tiếp cận lứa tuổi nhỏ, Nhà Xuất bản Kim Đồng đã cùng phối hợp với đội ngũ tác giả, họa sĩ đầu tư vào minh họa, đem lại những trang sách với tranh vẽ màu sống động, mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền nhưng vẫn trẻ trung, gần gũi với lứa tuổi tiểu học.

Bộ sách đưa độc giả đến nhiều vùng miền đất nước, khám phá và tìm hiểu những làng nghề truyền thống. Ảnh: NXB Kim Đồng
Không chỉ là một bộ tranh truyện, “Vang danh nghề cổ” còn là bộ công cụ giáo dục trực quan, góp phần giúp các em học sinh nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa làng nghề trong đời sống hiện đại và góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc. Qua mỗi trang sách, các em hiểu rằng giữ gìn nghề cổ không chỉ là giữ một nghề mưu sinh, mà là bảo tồn cả một kho tàng lịch sử, thẩm mỹ và tinh thần Việt Nam, từ đó khơi dậy tình yêu đối với văn hóa truyền thống của đất nước.
Tại buổi giao lưu, nhóm tác giả Phương Bùi, Thành Nguyễn và nhóm họa sĩ NGART, Xuân Quỳnh, Ruốc Đặng đã chia sẻ về cảm hứng, hành trình tìm kiếm tư liệu nội dung và những câu chuyện thú vị xoay quanh quá trình sáng tác.
Theo tác giả Thành Nguyễn, nhóm tác giả và họa sĩ đã dành nhiều thời gian đi thực địa khắp các làng quê Việt Nam, gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân và người dân địa phương; tham khảo, đối chiếu thông tin từ “Tổng tập làng nghề Việt Nam” cùng nhiều nguồn tư liệu khác để thực hiện bộ sách. Nhóm cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi dự án sách này dài hơi, để giới thiệu thêm nhiều làng nghề truyền thống của đất nước.
Ngoài phần giao lưu, độc giả còn có cơ hội tham gia các trò chơi tương tác để tìm hiểu về những làng nghề thú vị, được giới thiệu trong bộ sách “Vang danh nghề cổ”.