Khốn đốn vì bị nợ lương
Việc doanh nghiệp chây ì trả lương khiến người lao động lâm vào cảnh khó khăn
Mới đây, hơn 20 nhân viên từng làm việc tại Công ty CP Chuỗi làm đẹp và Phân phối mỹ phẩm Phú Thắng (Daysaki - quận 7, TP HCM) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng, kêu cứu về việc bị doanh nghiệp (DN) này nợ lương nhiều tháng. Các nhân viên cho hay sau nhiều lần hứa hẹn nhưng không thực hiện, cuối tháng 4-2023, Daysaki đột ngột ngưng hoạt động khiến việc đòi lương của họ rơi vào bế tắc.
Đóng cửa, "xù" lương
Theo anh Trần Quang Anh, Trưởng Phòng IT - Daysaki, từ tháng 11-2022, công ty lấy lý do khó khăn và bắt đầu nợ lương của người lao động (NLĐ). Từ đó đến tháng 2-2023, anh chỉ được chi tạm ứng 2 triệu đồng. Hiện công ty còn nợ lương anh 97 triệu đồng.
Chia sẻ với công ty, Quang Anh cố gắng bám trụ nhưng việc nợ lương kéo dài nhiều tháng, không có thu nhập trang trải cuộc sống nên tháng 3-2023, anh buộc phải xin nghỉ việc. Từ đó đến nay, anh vẫn chưa đòi được tiền lương của mình.
Hàng chục nhân viên khác của Daysaki làm việc ở các vị trí marketing, IT, tư vấn, kỹ thuật viên, quản trị chi nhánh… cũng bị nợ lương, tiền hoa hồng với số tiền từ 11 triệu đến gần 100 triệu đồng/người. Chị Trần Bội Thanh Thảo, Phòng Dịch vụ khách hàng - Chi nhánh Daysaki Nguyễn Thị Thập (quận 7), bức xúc: "Tôi bị nợ lương và tiền hoa hồng từ tháng 11-2022 đến tháng 1-2023 với tổng số tiền gần 48 triệu đồng. Bị nợ lương kéo dài, tôi phải vay mượn khắp nơi hơn 30 triệu đồng để xoay xở. Công ty nói khó khăn và chúng tôi hết sức chia sẻ. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí của NLĐ, công ty liên tục phớt lờ việc trả lương".
Tại buổi làm việc với tập thể nhân viên ngày 16-3, ông Phùng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Daysaki, thông tin công ty đang huy động nhiều nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp về tài chính, kể cả bán tài sản, để có tiền thanh toán lương cho NLĐ. Công ty cũng đề xuất 2 phương án trả lương và đợt chi trả đầu tiên thực hiện từ ngày 1 đến 10-4.
Cam kết là vậy nhưng Daysaki không thực hiện và âm thầm ngưng hoạt động từ cuối tháng 4 đến nay. Trong tháng 6-2023, LĐLĐ quận 7 đã 2 lần gửi thư mời ông Thắng đến làm việc song ông từ chối với lý do DN đã giải thể, không còn tư cách đại diện công ty. Do vậy, LĐLĐ quận đã hướng dẫn NLĐ làm thủ tục khởi kiện công ty ra tòa đòi quyền lợi.
Liên tục thất hứa
Hàng chục công nhân (CN) Công ty TNHH Sản xuất Thương mại S.S (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM) cũng hết sức khốn đốn do bị nợ lương kéo dài.
Chị Bùi Thị Hà cho hay 2 năm trước, chị làm việc cho Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Giày Đ.Q (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), do ông N.T.S làm giám đốc. Cuối năm 2022, công ty này gặp khó khăn về đơn hàng, ngưng hoạt động khi đang nợ lương tháng 12 của CN.
Lo mất lương, đầu năm 2023, chị Hà cùng khoảng 10 CN theo chân ông S. sang làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại S.S - nơi ông này làm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, không những không đòi được lương còn nợ ở công ty cũ, chị còn tiếp tục bị nợ lương các tháng 3, 4 và 5-2023 với tổng số tiền khoảng 17 triệu đồng.
"Trong thời gian nợ lương, công ty cắt cả cơm trưa khiến tôi phải tốn thêm tiền ăn, tiền xăng khi đi làm mỗi ngày. Không thể trụ nổi, giữa tháng 5-2023, tôi xin nghỉ việc nhưng đến nay, công ty chỉ thanh toán 1 triệu đồng" - chị Hà ngán ngẩm.
Theo các CN Công ty S.S, DN này đã ngừng hoạt động. Thời gian đầu khi công ty mới đóng cửa, CN liên hệ đòi lương thì ông S. hứa hẹn sẽ bán máy móc để thanh toán. Tuy nhiên, sau đó, họ không thể liên lạc được với ông ta.
Công ty CP K.G.S (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng nhiều lần thất hứa trong việc thanh toán tiền lương cho NLĐ. Chị T.K.L, nhân viên văn phòng công ty, cho biết ngay khi bắt đầu làm việc tại đây (tháng 2-2023), chị thường xuyên bị chậm trả lương. Đến tháng 4-2023, công ty bắt đầu nợ lương. Cuối tháng 5-2023, do bị nợ lương kéo dài, chị phải xin thôi việc.
Ngoài chị L., Công ty K.G.S còn nợ lương nhiều NLĐ đã nghỉ việc khác. Tại buổi làm việc với NLĐ trong tháng 5, ông H.K.C, giám đốc công ty, hứa hẹn sẽ trả dứt lương tháng 4-2023 cho họ trước ngày 30-6. Tuy nhiên đến hạn, công ty tiếp tục hẹn đến ngày 7-7.
"Công ty thất tín nhiều lần khiến chúng tôi dần mất lòng tin. Chúng tôi chỉ mong công ty thực hiện đúng cam kết bởi đó là mồ hôi, công sức mà NLĐ đã bỏ ra" - chị L. bày tỏ.
Phải trả lương đầy đủ, đúng hạn
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP HCM, một trong những nguyên tắc trả lương được quy định trong Bộ Luật Lao động là người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, NSDLĐ phải đền bù cho NLĐ ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương.
Khi NSDLĐ không thực hiện đúng quy định trên, NLĐ có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/khon-don-vi-bi-no-luong-20230702194821861.htm