Khốn khổ căn bệnh khiến người mắc phải 'dọn vảy' khi ngủ dậy

Việc làm đầu tiên khi thức dậy của bệnh nhân vảy nến thể nặng chính là việc… dọn vảy. Căn bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh khiến họ rơi vào bi quan, trầm cảm, thậm chí trước đây có trường hợp đã tự tử.

Tại Phòng khám chuyên đề vảy nến, Bệnh viện Da liễu Trung ương mỗi ngày tiếp nhận khoảng 60-80 bệnh nhân đến khám và điều trị.

BS. Hoàng Văn Tâm – Phó trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày cho biết, bệnh vảy nến xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp ở người trẻ, từ tuổi dậy thì. Nhiều người trẻ mang nặng tâm lý xấu hổ và ngượng ngùng khi đi khám hoặc điều trị bệnh kéo dài mà không ổn định.

"Một nửa bệnh nhân mắc vảy nến cảm giác hoang mang, chán nản, bi quan. Họ rất sốc vì đột nhiên trên cơ thể có đám đỏ, bong vảy. Chất lượng sống của bệnh nhân vảy nến thể nặng ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý chẳng khác gì bệnh ung thư giai đoạn cuối" – BS. Tâm cho biết.

Thống kê trên thế giới, có khoảng 1-3% dân số mắc vảy nến tùy chủng tộc. Ở Việt Nam ước tính khoảng 1 triệu người mắc bệnh. Ngày Vảy nến thế giới 29/10 năm nay với chủ đề "Sức khỏe tâm thần của bệnh nhân vảy nến" nhắc nhở cộng đồng hãy quan tâm, sẻ chia và không kỳ thị người mắc bệnh này.

Thực tế quá trình thăm khám, các bác sĩ đã gặp những bệnh nhân vảy nến rơi vào chán nản, tuyệt vọng, không thiết tha với cuộc sống. Do đó, theo BS. Tâm, bệnh nhân vảy nến cần được quan tâm cả về điều trị bệnh và chăm lo sức khỏe tâm thần.

Hiện nay với sự tiến bộ của y học, có nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến như: điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân hay liệu pháp ánh sáng, ứng dụng thuốc sinh học.

Các phương pháp này có thể giúp tình trạng bệnh vảy nến được kiểm soát, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người bệnh; đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng.

Bác sĩ Tâm thăm khám cho một bệnh nhân vảy nến.

Bác sĩ Tâm thăm khám cho một bệnh nhân vảy nến.

Tự điều trị sai cách khiến bệnh vảy nến bùng phát nặng hơn

Bệnh nhân nữ 29 tuổi, ở Hưng Yên phát hiện mắc vảy nến sau khi sinh bé thứ 2 với các biểu hiện ngứa, rát đỏ lan từ ngực xuống bụng và sau lưng. Chị này nghĩ viêm da thông thường, đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán mắc vảy nến.

Bệnh nhân đã uống nhiều loại thuốc Đông – Tây y khác nhau, tình trạng bệnh có giảm, tuy nhiên sau đó có hiện tượng mặt sưng, phù nề, không mở nổi mắt (Hội chứng Cushing). Không những thế, cơ thể bệnh nhân đỏ lừ, đau rát, chỉ cựa mình cũng đau, không thể nằm yên được.

Nuôi con nhỏ cùng với tình trạng bệnh dai dẳng mãi không khỏi khiến bệnh nhân rơi vào căng thẳng, stress nặng, không ngủ được. Lúc này, bệnh nhân mới đến "cầu cứu" bác sĩ BV Da liễu Trung ương.

BS. Tâm cho biết, lúc đầu bệnh nhân mắc vảy nến thể mảng (thể thông thường) với biểu hiện có mảng, sẩn màu đỏ, vẩy trắng bạc. Nhưng sau đó dưới tác dụng phụ của thuốc corticoid bệnh nhân uống, thể mảng đã tiến triển thành thể mủ (thể đặc biệt) rất đau rát.

"Đơn thuốc mà bệnh nhân tự đi mua uống có Medrol, loại thuốc chứa corticoid, dù đáp ứng rất tốt và nhanh với vảy nến thể mủ nhưng có rất nhiều tác dụng phụ..." - vị bác sĩ cho hay.

Đây cũng là sai lầm mà bệnh nhân vảy nến hay gặp khi điều trị làm nặng thêm tình trạng bệnh, nguy hiểm cho sức khỏe. Các chuyên gia da liễu khuyến cáo, bệnh nhân mắc vảy nến cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ chuyên ngành thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Ngoài ra không nên sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như các sản phẩm chứa corticoid dùng đường toàn thân mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nhằm tư vấn kiến thức khoa học về bệnh vảy nến và cách điều trị, phòng tránh bệnh tái phát, Bệnh viện Da liễu Trung ương sẽ khám, tư vấn miễn phí cho bệnh nhân vảy nến từ 19/10 đến 31/10/2022.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khon-kho-can-benh-khien-nguoi-mac-phai-don-vay-khi-ngu-day-169221021103520478.htm