Khốn khổ tìm con 32 năm, khi đoàn tụ con lại một mực bảo vệ kẻ bắt cóc

Vợ chồng họ Tào trải qua 32 năm tìm con. Đến khi đoàn tụ, họ lại phải đối diện với một tình huống khác xa những gì đã tưởng tượng suốt hàng chục năm.

Mất con sau 2 ngày thuê bảo mẫu

Đối với những người làm cha mẹ, không có gì đau khổ hơn việc bị mất một đứa con vào tay những kẻ bắt cóc. Vợ chồng họ Tào ở Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) cũng vậy. Họ đã dành gần nửa cuộc đời mòn mỏi đi khắp nơi tìm con trong nỗi ân hận, day dứt.

Hồi tháng 1/1988, đúng lúc vợ chồng họ Tào muốn tìm người chăm sóc cho cậu con trai Tào Bình 5 tháng tuổi thì có một cô gái trẻ đến xin làm bảo mẫu. Qua trò chuyện, bà Tào cảm thấy cô gái này khá đáng tin nên đã nhận vào làm. Không ngờ, đến ngày thứ 2, cô gái lẳng lặng bế Tào Bình đi mất.

Bà Tào cuống cuồng báo cảnh sát để họ phát đi thông báo tìm người. Bản thông báo có ảnh Tào Bình mặc một chiếc áo khoác bông dày, khuôn mặt tròn trịa, tóc rậm và đôi mắt to tròn. Ngoài ra, trên đó còn có hình phác họa nữ bảo mẫu đã bắt cóc cậu bé.

Thời điểm đó, không chỉ trông chờ vào cảnh sát, gia đình họ Tào còn huy động người thân, bạn bè tỏa ra khắp các bến tàu, bến xe tìm kiếm. Họ thậm chí còn xin kiểm tra những hành khách xách theo các va li, túi xách cỡ lớn vì nghĩ rằng kẻ bắt cóc sẽ giấu đứa trẻ trong đó.

Thông báo tìm người năm 1988 của cảnh sát Quế Lâm.

Thông báo tìm người năm 1988 của cảnh sát Quế Lâm.

Tuy nhiên, vì cô gái kia dùng tên giả, thông tin giả nên cảnh sát không thể tìm ra tung tích của cô ta cũng như Tào Bình.

Việc con trai bị bắt cóc khiến vợ chồng họ Tào suy sụp. Họ bắt đầu lao vào công cuộc tìm con triền miên từ năm này qua tháng khác. Hơn một năm sau, họ sinh thêm một cô con gái đặt tên là Tào Dĩnh. Tuy nhiên, nỗi nhớ thương con trai đầu lòng không vì thế mà vơi bớt.

Trong nhà mình, bà Tào để riêng một chiếc tủ để cất đồ chơi của Tào Bình và không cho phép con gái động vào. Thậm chí, vợ chồng bà Tào còn luôn đặt con gái trong mối tương quan so sánh với anh trai. Mỗi khi Tào Dĩnh phạm lỗi, họ thường nói rằng: “Anh của con nhất định sẽ không làm như thế”.

Khi mua các món đồ lưu niệm, ông bà Tào thường mua hai chiếc và bảo với Tào Dĩnh: “Cái này của con, còn cái kia là của anh trai”. Hành động và suy nghĩ của bố mẹ khiến nhiều lúc Tào Dĩnh nghĩ rằng, anh trai đang ở trong nhà và lớn lên cùng mình.

Nỗi ám ảnh về đứa trẻ bị bắt cóc khiến vợ chồng họ Tào đề ra những nguyên tắc vô cùng khắt khe với con gái. Từ nhỏ, Tào Dĩnh luôn được đặt trong tầm mắt của cha mẹ. Ông bà Tào không thuê bảo mẫu, luôn tự mình đưa đón con, không cho phép con được nhận đồ ăn của người lạ. Tào Dĩnh sớm phải học thuộc số điện thoại của gia đình và luôn mang trong túi một thẻ điện thoại mệnh giá 50 tệ.

Trong suốt 30 năm, vợ chồng họ Tào liên tục đăng thông tin lên báo chí, các trang web tìm kiếm trẻ em bị bắt cóc. Họ còn kết nối với dữ liệu ADN tìm kiếm những đứa trẻ mất tích của cơ quan chức năng.

Suốt nhiều năm không có tin tức, họ nghĩ rằng, Tào Bình đã bị bán tới một nơi nào đó rất xa. Họ còn hy vọng Tào Bình được một gia đình khá giả nào nuôi dạy, được học hành đến nơi đến chốn.

Con trai quay lưng lại với mẹ đẻ

Tháng 5/2020, với sự trợ giúp của cảnh sát, vợ chồng họ Tào cuối cùng cũng tìm ra tung tích của con trai. Tào Bình lúc này đã có vợ và hai con. Anh sống ở một vùng nông thôn cách Quế Lâm chưa đầy 200km. Kẻ bắt cóc Tào Bình tên thật là Tần Phương. Suốt 32 năm, bà Tần không bán Tào Bình cho ai khác mà tự mình nuôi dưỡng.

Biết con trai đã phải chịu nhiều thiệt thòi, ông bà Tào tìm mọi cách bù đắp cho con. Thời gian đầu, mối quan hệ của Tào Bình với cha mẹ đẻ khá thuận hòa, vui vẻ. Thi thoảng, anh đưa vợ con đến ăn cơm cùng ông bà Tào. Bà Tào còn tặng cho con dâu một chiếc vòng vàng như món quà gặp mặt.

Ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ, Tào Bình đã nói rằng, anh không muốn mẹ nuôi phải ngồi tù.

Ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ, Tào Bình đã nói rằng, anh không muốn mẹ nuôi phải ngồi tù.

Tuy nhiên, những bất đồng dần dần xảy ra, đặc biệt là chuyện liên quan đến vấn đề giáo dục con cái.

Vợ chồng bà Tào vô cùng xót xa khi biết rằng, sau khi học hết cấp 2, con trai đã phải đi làm kiếm tiền thay vì tiếp tục học lên cấp 3 như các bạn cùng trang lứa. Bà Tào vì thế muốn chuyển trường cho cháu trai đến Quế Lâm để cháu có cơ hội phát triển tốt hơn, tránh đi vào lối mòn của bố trước đây. Tuy nhiên, Tào Bình không đồng ý.

Bà Tào từ lâu đã quyết kiện kẻ bắt cóc ra tòa. Bà luôn ấm ức cho rằng, Tần Phương đã cướp đi tương lai của con bà. Tào Bình đáng lẽ đã có thể vào đại học và có một cuộc sống tốt hơn nếu không bị bắt cóc.

Khi mâu thuẫn về chuyện học hành của cháu trai xảy ra, bà và con gái càng muốn Tần Phương phải ngồi tù. Bà mong muốn Tào Bình sẽ đứng ra làm chứng trước tòa, chống lại mẹ nuôi Tần Phương.

Tuy nhiên, Tào Bình nói, bao năm qua, mẹ nuôi đối xử với anh rất tốt. Vì vậy, anh không muốn làm bất cứ điều gì tổn thương đến bà ấy. Hơn nữa, hiện giờ anh đã có cuộc sống riêng nên muốn chuyên tâm vun vén cho gia đình. Anh không muốn cuộc sống bình lặng của mình bị đảo lộn.

Nghĩ đến những cay đắng mà mình phải gánh chịu bao năm qua, những thiệt thòi của con trai, bà Tào không đồng tình. Điều này khiến cho mối quan hệ của bà và con trai ngày càng xấu đi. Bà Tào giúp đỡ về vật chất hay quan tâm thế nào Tào Bình cũng không chịu nhận, thậm chí anh còn la mắng, chửi rủa, coi mẹ đẻ như kẻ thù.

Tháng 8 vừa qua, viện kiểm sát đã bác bỏ vụ kiện của bà Tào vì cho rằng, thời hạn truy tố vụ việc đã quá 20 năm. Tuy nhiên, bà Tào và con gái không chấp thuận và nói sẽ trình vụ việc lên cơ quan cấp cao hơn. Theo họ, trong vụ việc này, Tào Bình bị mẹ nuôi bắt cóc. Tần Phương không phải là người mua mà là nghi phạm trong vụ án hình sự.

Hành vi của Tần Phương đã vi phạm nghiêm trọng luật hình sự và tình tiết này sẽ không thể thay đổi bất kể đứa trẻ bị bắt cóc mong muốn ra sao. Thứ hai, xét về góc độ đạo đức, cha mẹ ruột của Tào Bình chính là nạn nhân lớn nhất, họ đã ngày đêm đau khổ vì mất con trong hơn 30 năm.

Bà Tào rất buồn khi con trai nói “sự thù hận trong mắt mẹ đẻ còn lớn hơn tình cảm gia đình”. Bà cho rằng, con mình đã mù quáng “nhận giặc làm mẹ” và quan hệ tình cảm này dựa trên một sự lừa dối suốt 32 năm.

Bà sẽ kiên quyết theo đuổi vụ kiện đến cùng vì so với những đau khổ mà bà đã trải qua thì đó là việc làm hoàn toàn chính đáng. Suốt nhiều năm tìm con, bà Tào còn mắc phải chứng trầm cảm, sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bà Tào muốn công lý được thực thi bởi những vụ mua bán người đã gây ra bao cuộc chia lìa máu thịt, mang lại nỗi đau không thể xóa nhòa cho biết bao gia đình. Bà Tào lo ngại, nếu pháp luật không răn đe những kẻ như Tần Phương thì ai sẽ bảo vệ công lý? Ai sẽ ngăn chặn thêm những thảm kịch xảy ra?

Hồng Hạnh (Theo Sina, Sohu)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/khon-kho-tim-con-32-nam-khi-doan-tu-con-lai-mot-muc-bao-ve-ke-bat-coc-776567.html