Không 'bỏ rơi' học sinh vi phạm khi xem xét kỷ luật

Nhiều giáo viên đề xuất, cần phân rõ từng mức độ vi phạm của học sinh trước khi xem xét kỷ luật để giữ kỷ cương nhà trường và đảm bảo tính nhân văn.

Học sinh Trường THPT Lam Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội) tham gia hoạt động ngoại khóa tại sân trường. Ảnh: Đình Tuệ.

Học sinh Trường THPT Lam Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội) tham gia hoạt động ngoại khóa tại sân trường. Ảnh: Đình Tuệ.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận với Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Theo đó, chỉ còn ba hình thức kỷ luật với học sinh vi phạm gồm: Nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm; không còn hình thức đình chỉ học có thời hạn.

Phải nhìn toàn cục

Chuyên gia tâm lý, ThS Phạm Phương - Trưởng Bộ môn Tâm lý học ứng dụng và Kỹ năng mềm (Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội) cho rằng, việc bỏ hình thức đình chỉ học có thời hạn thể hiện tư duy giáo dục tiến bộ, nhằm tránh đẩy học sinh ra khỏi môi trường học đường.

Chủ trương duy trì kết nối với học sinh dù các em vi phạm là cần thiết. Tuy nhiên, nếu áp dụng đại trà, không phân loại mức độ vi phạm dễ dẫn đến tình trạng học sinh coi thường nội quy, không sợ vi phạm, làm giảm hiệu quả giáo dục, ảnh hưởng đến môi trường học tập chung và khiến giáo viên khó quản lý lớp học.

 ThS Phạm Phương đến từ Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

ThS Phạm Phương đến từ Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Theo dự thảo, khi học sinh vi phạm, các biện pháp xử lý sẽ nghiêng về hướng “giáo dục – phục hồi” như: Viết bản kiểm điểm, xin lỗi công khai, học kỹ năng, tư vấn tâm lý, lao động công ích… Nhưng với những em thường xuyên tái phạm, có hành vi chống đối nghiêm trọng thì những biện pháp này chưa đủ sức răn đe và không tạo ra sự thay đổi hành vi thực chất.

Cô Phương nhấn mạnh, giáo viên là người gần gũi và quan sát hành vi học sinh mỗi ngày. Nếu không có cơ chế xử lý rõ ràng và đủ mạnh, thầy cô sẽ gặp khó khăn trong việc giữ kỷ luật lớp học. Do đó, cần có những hình thức xử lý đủ sức răn đe, nhưng vẫn mang tính giáo dục để phụ huynh có trách nhiệm hơn và học sinh ý thức được hậu quả hành vi của mình.

 Việc được tham gia các hoạt động tập thể giúp học sinh thể hiện năng lực bản thân.

Việc được tham gia các hoạt động tập thể giúp học sinh thể hiện năng lực bản thân.

Dưới góc nhìn cá nhân, cô Phạm Phương đề xuất, thay vì bỏ hoàn toàn đình chỉ học có thời hạn, ban soạn thảo cần phân loại hành vi vi phạm theo mức độ: Nhẹ – Trung bình – Nghiêm trọng.

Với hành vi ở mức độ nhẹ và trung bình, có thể áp dụng biện pháp giáo dục tích cực như dự thảo đề xuất.

Với hành vi vi phạm nghiêm trọng vẫn cần có hình thức tạm ngừng học một thời gian ngắn ( khoảng 3–7 ngày) kết hợp với giáo dục kỷ luật, tư vấn tâm lý bắt buộc và cam kết giữa học sinh – phụ huynh – nhà trường.

"Ta cần quy định rõ tiêu chí xác định hành vi nghiêm trọng, tránh áp dụng cảm tính từng trường. Đảm bảo sau thời gian tạm đình chỉ, học sinh có cơ hội quay lại học và được hỗ trợ để phục hồi hành vi. Biện pháp này giúp vừa răn đe, vừa giáo dục, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thay đổi hành vi học sinh mà không đuổi học vĩnh viễn” - chuyên gia tâm lý Phạm Phương trao đổi.

Không em nào bị bỏ lại phía sau

 Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lômônôxốp.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lômônôxốp.

Từ thực tế công tác nhiều năm, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, dự thảo thông tư lần này đã có nhiều đổi mới theo hướng tiến bộ hơn so với thông tư 08 của Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 1988. Trong đó, các hình thức khen thưởng học sinh đã tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Về các hình thức kỷ luật, ông Tùng cho rằng việc bỏ hội đồng kỷ luật khi có học sinh vi phạm mà giao trực tiếp cho Hiệu trưởng mỗi trường là phù hợp. Nhìn xa hơn, mỗi nhà trường cần tăng cường giáo dục học sinh ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nội quy của nhà trường.

Nếu phát sinh tình huống học sinh thường xuyên vi phạm nội quy của trường ở mức độ nghiêm trọng, chúng ta nên bổ sung một hình thức kỷ luật là "tạm dừng việc học của học sinh trong một khoảng thời gian nhất định". Khi đó, học sinh vi phạm không phải là được ở nhà mà vẫn lên trường nhưng ở một phòng khác như thư viện, phòng tâm lý học đường để không làm ảnh hưởng tới các bạn khác.

"Ví dụ học sinh vi phạm bị tạm dừng việc học trên lớp 3 ngày thì vẫn phải tới trường, trách nhiệm giáo dục học sinh vẫn phải được nhà trường tiếp tục để đảm bảo quyền lợi của các em khác. Do đó, tôi đề xuất ban soạn thảo nên thêm một hình thức kỷ luật nữa là tạm dừng việc học ở trên lớp để nhà trường có kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm chứ chúng ta không buông tay", ông Nguyễn Quang Tùng chia sẻ.

 Thầy Nguyễn Tiến Công (áo đoàn viên) và các em học sinh trong một hoạt động tập thể tại trường.

Thầy Nguyễn Tiến Công (áo đoàn viên) và các em học sinh trong một hoạt động tập thể tại trường.

Thầy Nguyễn Tiến Công, giáo viên Trường THPT Lam Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ, khi tiếp cận đối tượng học sinh chưa ngoan, thầy sẽ gặp gỡ nói chuyện cởi mở để tạo sự gần gũi, tin tưởng từ các em. Thông qua giao tiếp bằng ánh mắt của học sinh, thầy cô phải lắng nghe xem nguyên nhân do đâu mà các em có hành vi vi phạm kỷ luật, giải quyết những khúc mắc đang gặp phải.

Ngoài ra, thầy Công cũng cho rằng, mỗi nhà trường nên tạo thật nhiều sân chơi bổ ích để các em được tham gia, thể hiện năng lực bản thân và tránh xa bạo lực học đường. Khi cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ thầy cô, các em sẽ hiểu việc mình cần làm là gì và nâng cao trách nhiệm với bản thân, với tập thể để nỗ lực từng ngày hoàn thiện nhân cách bản thân.

Là giáo viên tại Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội), cô Đào Thị Luyến cho hay, các biện pháp giáo dục lại học sinh sau khi bị kỷ luật để các em không thấy xấu hổ, tự ti, có thể hòa nhập lại cộng đồng và tiếp tục học tập mới là điều quan trọng.

Các hình thức kỷ luật phải mang tính giáo dục, không hạ nhục, xúc phạm danh dự học sinh. Cô đề nghị bổ sung các biện pháp kỷ luật nhân văn như: Lao động công ích, viết cam kết, tham gia buổi tư vấn, viết bài cảm nhận, thư xin lỗi… Nên có quy định về việc áp dụng linh hoạt hình thức kỷ luật với từng độ tuổi, từng hoàn cảnh cá nhân học sinh.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-bo-roi-hoc-sinh-vi-pham-khi-xem-xet-ky-luat-post731100.html