Kỳ thi thử vào lớp 10 - bước chuẩn bị cần thiết
Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo học sinh lớp 9 được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tâm lý vững vàng bước vào kỳ thi vào lớp 10.

Công tác ôn thi và tổ chức thi thử được Trường THCS Hoàng Hoa Thám (xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar) triển khai từ sớm.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025 - 2026 tại Đắk Lắk đang đến gần. Sau hơn 10 năm chỉ tổ chức xét tuyển, năm học này, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai thi tuyển rộng rãi đối với tất cả các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn. Ngành Giáo dục tỉnh đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo học sinh lớp 9 được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tâm lý vững vàng bước vào kỳ thi quan trọng.
Kỳ thi thử - bước chuẩn bị cần thiết
Tại thành phố Buôn Ma Thuột, kỳ thi thử vào lớp 10 được tổ chức vào ngày 9 - 10/5 với sự tham gia của gần 6.000 học sinh lớp 9 tại 33 điểm thi. Đây là hoạt động được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức nhằm giúp học sinh làm quen với cấu trúc, cách thức thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông, đồng thời cũng là dịp để các trường đánh giá toàn diện chất lượng dạy học và ôn tập trong năm học 2024 - 2025.
Ông Nguyễn Hữu Luật, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, kỳ thi thử là giải pháp hữu hiệu nhằm giúp học sinh xác định rõ năng lực bản thân, từ đó có hướng điều chỉnh phương pháp học phù hợp.
Kỳ thi thử nhằm mục đích để các trường kiểm tra, nhìn nhận kết quả năm học 2024 - 2025 đối với học sinh khối 9; qua đó, tạo tâm thế để học sinh phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi chính thức năm học 2025 - 2026. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố mong muốn, qua kỳ thi các trường có sự nhìn nhận thực chất kết quả học sinh; đội ngũ giáo viên xem xét lại cách ôn tập phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, cán bộ quản lý có sự chỉ đạo, quán triệt, kiểm tra giám sát việc ôn tập cho học sinh để chuẩn bị cho kỳ thi chính thức, ông Luật nhấn mạnh.
Tại huyện Cư M’gar, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng tổ chức kiểm tra học kỳ II cho học sinh lớp 9 trong hai ngày 15 - 16/5 với hình thức kiểm tra tập trung toàn huyện, áp dụng chung đề thi ba môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Cấu trúc đề kiểm tra được xây dựng bám sát với đề thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông; qua đó giúp học sinh tiếp cận sớm với định dạng đề thi chính thức.
Tại Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar), công tác ôn thi và tổ chức thi thử được triển khai từ sớm. Thầy Mai Đình Bích, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay nhà trường có hơn 700 học sinh, trong đó trên 50% là học sinh dân tộc thiểu số, 132 học sinh lớp 9. Để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 trung học phổ thông, nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức 2 đợt thi thử để đánh giá trình độ học sinh và từ đó điều chỉnh kế hoạch ôn tập. Đặc biệt, nhà trường chú trọng hỗ trợ học sinh yếu, học sinh dân tộc thiểu số để các em không bị thiệt thòi.
Sau mỗi đợt thi thử, nhà trường phân tích kết quả, nhận diện rõ những tồn tại để kịp thời có biện pháp bồi dưỡng, phụ đạo. Ban Giám hiệu cũng yêu cầu giáo viên tăng cường bám sát nội dung đề thi, tập trung ôn tập trọng tâm, tránh dàn trải. Với phương châm không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, giáo viên thường xuyên theo sát từng em, nhất là các học sinh có khả năng tiếp thu chậm.
Học sinh H’Lê Na Niê, lớp 9A1 chia sẻ, từ tháng 3, em đã được các thầy, cô ôn tập ba môn chính. Qua kỳ thi thử em thấy mình làm bài tốt hơn trước, em sẽ cố gắng hơn nữa để thi vào ngôi trường trung học phổ thông mà mình yêu thích.
Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám cho biết, giáo viên trong trường đã được tập huấn kỹ về cấu trúc đề thi và từ đó tổ chức ôn luyện theo hướng dẫn. Với đặc thù đông học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên đã chủ động phân loại học sinh, có kế hoạch phụ đạo riêng cho từng nhóm đối tượng nhằm đảm bảo hiệu quả ôn thi cao nhất.

Giáo viên ôn tập kiến thức cho học sinh khối 9.
Triển khai đồng bộ, bài bản
Năm học 2025 - 2026, toàn bộ 53/53 trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn Đắk Lắk sẽ tổ chức thi tuyển sinh lớp 10. Đây là sự thay đổi lớn so với gần 10 năm trước, khi các trường chỉ thực hiện xét tuyển, trừ các trường chuyên biệt. Việc mở rộng thi tuyển đại trà đặt ra yêu cầu cao trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị và tổ chức thi.
Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, kỳ tuyển sinh năm nay có một số điểm mới đáng chú ý. Cụ thể, đối với những địa phương có 3 trường trung học phổ thông trở lên, việc thi tuyển được thực hiện phân tuyến toàn bộ cho nguyện vọng 1; nguyện vọng 2 được thực hiện theo phân tuyến tuyển sinh. Hai nguyện vọng chênh lệch 1,5 điểm. Đối với những huyện có 2 trường trung học phổ thông thì việc tổ chức chỉ 1 nguyện vọng và thực hiện phân tuyến tuyển sinh trong địa phương đó. Đặc biệt, với học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ, ngành Giáo dục tỉnh thực hiện phân luồng chung cho tất cả học sinh. Các em sẽ được xét tuyển từ trên xuống cho đủ chỉ tiêu theo tỉ lệ phân luồng.
Song song với công tác tuyển sinh, ngành Giáo dục Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ học sinh. Trong đó, việc xây dựng ngân hàng đề thi quy mô lớn, tổ chức thi thử đồng loạt tại các địa phương, hướng dẫn ôn tập theo cấu trúc đề thi, đẩy mạnh truyền thông đến từng học sinh và phụ huynh được đặc biệt chú trọng. Đồng thời, công tác hướng nghiệp, phân luồng được lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động giáo dục tại trường phổ thông.
Với sự chuẩn bị chu đáo, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 tại Đắk Lắk hứa hẹn được tổ chức nghiêm túc, công bằng và hiệu quả. Đây không chỉ là kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào của học sinh, mà còn là bước thử thách quan trọng để các trường học, địa phương nhìn lại hiệu quả giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.