Không 'bỏ trứng vào một giỏ' để giảm rủi ro xuất khẩu

Những rủi ro, tác động tiêu cực cho xuất khẩu khi phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn trong bối cảnh có những biến động khó lường, nặng chính sách bảo hộ, cùng nguy cơ thương chiến đang ngày một hiện hữu. Điều này đang buộc các doanh nghiệp Việt phải hiểu rõ trong câu chuyện xuất khẩu không thể 'bỏ trứng vào một giỏ'.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (Huba), cho biết thời gian qua hoạt động xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam là sang Mỹ, thứ nhì là Trung Quốc. Trước chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ, chưa biết là có thuận lợi hay khó khăn gì cho Việt Nam, nhưng bản thân các doanh nghiệp (DN) vẫn đang lo lắng làm sao để có bước đi phù hợp với hoàn cảnh.

Lựa chọn thị trường an toàn hơn

Chẳng hạn với thị trường Mỹ, qua trao đổi với VnBusiness, theo ông Tuệ, tình hình XK của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2025 có nhiều thử thách mới, chính sách mới. Cho nên các DN chưa thể hy vọng mọi điều sẽ tốt hơn mà vẫn đứng trước những khó khăn trong tình hình mới, trong khi vài tháng trước họ bắt đầu có đơn hàng mới quay lại và khôi phục sản xuất với nhiều vấn đề chật vật vẫn còn phải đối mặt.

Gia tăng kết nối với các nhà thu mua quốc tế sẽ giúp các nhà xuất khẩu của Việt Nam tránh được rủi ro khi “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Điều trăn trở của ông Tuệ cùng các DN xuất khẩu ở Tp.HCM có lẽ sẽ giảm bớt được phần nào nếu như không bỏ “tất cả trứng vào một giỏ”, tức là tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ hay Trung Quốc, thay vào đó cần đẩy nhanh việc đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh đầy thách thức như năm 2025 này.

Thực ra việc chuyển hướng thị trường XK cũng là cả vấn đề thách thức đối với DN. Như kinh nghiệm của mình, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), nói rằng với những DN xuất khẩu có vài triệu USD mỗi năm thì việc đa dạng hóa thị trường không phải là đơn giản. Điều này cũng tùy vào từng trường hợp cụ thể, không phải DN nào muốn chuyển hướng thị trường là có thể làm ngay được.

Tuy nhiên, trong trường hợp của những DN nhỏ và vừa, ông Kiệt có lời khuyên là họ nên chọn thị trường ít có tính rủi ro hơn và có tính ổn định hơn, đơn cử như thị trường EU, Nhật Bản hoặc thậm chí như thị trường ASEAN. Đó là những thị trường có tính an toàn hơn.

Đứng ở góc độ của một DN trong ngành hàng cà phê, để lựa chọn một lối an toàn trong hoạt động XK, ông Võ Tuấn Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH Vàng Ban Mê, cho biết đang ưu tiên tập trung vào thị trường gần là các quốc gia trong ASEAN. Công ty đã đi kết nối làm việc với một số nhà thu mua, đối tác lớn trong khu vực và dự kiến sẽ mở showroom ở Thái Lan, Malaysia để phát triển thương hiệu.

Trong khi đó, là một DN hàng đầu về sản xuất bánh kẹo, CTCP Bibica đang có kế hoạch mở rộng sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc thông qua Walmart nhờ tận dụng lợi thế về danh mục sản phẩm đa dạng (bánh tươi, bánh layer, kẹo dẻo, kẹo cứng, bánh trung thu...). Lâu nay thị trường nội địa vẫn là nguồn thu chính của DN này, nhưng để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, công ty có kế hoạch tăng tỷ trọng doanh thu XK lên 20% trong vòng 3 năm tới.

Còn với lĩnh vực XK thủy sản, việc tránh rủi ro khi phụ thuộc một vài thị trường lớn là điều mà các DN trong ngành hàng này cần tính toán. Như lưu ý mới đây từ bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), thị trường Trung Quốc, một trong những đối tác lớn của tôm Việt Nam, đang đối mặt với sự giảm sút trong nhu cầu tiêu thụ. Sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu, cùng với áp lực thu nhập gia tăng, đã dẫn đến sự sụt giảm tiêu dùng tôm trắng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Sự cạnh tranh từ các sản phẩm thủy sản giá rẻ hơn và sự ưu tiên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khác có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong những tháng tiếp theo.

Lường trước những tác động tiêu cực

Riêng với XK cá tra, theo bà Hằng, các biến động về thuế quan quốc tế, đặc biệt là các chính sách áp dụng thuế chống bán phá giá, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tăng trưởng của XK cá tra trong năm nay. Sự thay đổi trong chính sách thuế quan có thể tạo ra một môi trường khó khăn cho ngành cá tra trong thời gian tới.

Theo giới quan sát, việc Tổng thống Mỹ vừa ký lệnh áp thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Canada và Mexico, cũng như tăng mức áp thuế đối với các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Đây được xem là sự khởi đầu cho chuỗi chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Donald Trump, đồng thời bỏ ngỏ khả năng Mỹ áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu các quốc gia còn lại (bao gồm cả Việt Nam).

Chính vì thế, các nhà XK của Việt Nam không thể xem nhẹ việc phụ thuộc vào một thị trường lớn như Mỹ. Chẳng hạn như việc XK mặt hàng đá thạch anh nhân tạo của DN Việt vào thị trường này, với kịch bản tiêu cực hơn, khi Mỹ sẽ áp thuế XK đối với Việt Nam, nhưng không áp thuế đối với các quốc gia cạnh tranh trực tiếp khác.

Theo đó, hoạt động XK của các DN Việt trong mảng này sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực, do lợi thế cạnh tranh về giá của các đối thủ khác sẽ được khuếch đại đáng kể. Điều này sẽ khiến thị phần của nhà XK Việt ở Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bất chấp sự khác biệt về phân khúc.

Đó là chưa kể rủi ro đá thạch anh nhân tạo xuất xứ Việt Nam bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Nên nhắc lại, Bộ Công Thương từng công bố danh sách cảnh báo sớm đối với 17 mã ngành hàng sản xuất tại Việt Nam XK sang Mỹ có nguy cơ điều tra về phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Trong đó, bao gồm sản phẩm bề mặt thạch anh với mã HS Code: 6810.99.

Theo giới chuyên gia, cơ sở để Việt Nam bị khiếu kiện hay điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đá thạch anh nhân tạo là có. Bởi lẽ, từ cách đây 2 năm, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đã lên đến 43,9%, tương ứng với 335,9 triệu USD giá trị XK và 3,6 triệu m2 sản lượng xuất sang Mỹ.

Đó là chưa kể rủi ro các nhà sản xuất khác tại Việt Nam (đặc biệt là các DN FDI) nhập khẩu quartz từ Trung Quốc để XK sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá áp lên quốc gia này. Hơn nữa, trong các đối thủ cạnh tranh, tồn tại các DN nội địa Mỹ (Cambria, Dupont…), xác suất bị đệ đơn kiện lên Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) là có.

Cần nhắc lại, Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi thị phần gia tăng mạnh trong giai đoạn 2019- 2024, vươn lên vị trí dẫn đầu và thứ hai thị phần tại Mỹ. Điều này có được là nhờ Mỹ đã chính thức áp thuế đối với sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh có xuất xứ từ Trung Quốc (từng có vị thế dẫn đầu tại thị trường Mỹ), với mức thuế chống bán phá giá từ 265,81% đến 336,69%, với mức thuế chống trợ cấp từ 45,32% đến 190,99%.

Chính vì thế, đây là điều mà các nhà XK mặt hàng đá thạch anh nhân tạo của Việt Nam cần cảnh giác để không mất thị phần, giảm vị thế trong trường hợp bị áp thuế chống bán phá giá. Và để an toàn hơn nữa cho XK, họ cũng nên đa dạng hóa thị trường XK nhằm tránh rủi ro vì “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” ở thị trường Mỹ vốn được dự đoán sẽ tiếp tục có nhiều biến động khó lường về chính sách thuế quan trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khong-bo-trung-vao-mot-gio-de-giam-rui-ro-xuat-khau-1104903.html